Cao hơn 2.500m, quanh năm sương mù bao phủ. Đỉnh Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cánh rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn còn sót lại với những cây cổ thụ to vài người ôm thâm u huyền bí trong màn sương. Cách vài chục thước, người với người chẳng thể nhìn rõ mặt nhau. Nhiệt độ cao nhất ở đây chỉ 18°C, thấp nhất dưới 7°C. Giữa cánh rừng thâm u ấy là vườn sâm Ngọc Linh quý hiếm với hàng chục ngàn cá thể. Đây được ví là kho báu quốc gia bởi đang sở hữu hàng chục hécta sâm Ngọc Linh quý hiếm nhiều năm tuổi.
“Vương quốc” sâm Ngọc Linh
Một ngày giữa cuối tháng 5, chúng tôi tìm lên đỉnh Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Theo giới chơi sâm, đỉnh Ngọc Linh là “vương quốc” của loài sâm quý nhất thế giới - sâm Ngọc Linh. Để đến với “vương quốc” này, phải mất nửa ngày đi ô tô từ Đà Nẵng đến Ngọc Hồi (Kon Tum) qua đường mòn Hồ Chí Minh với nhiều đèo dốc, rồi mất 2 giờ đồng hồ vượt đèo Măng Rơi để vào thôn Đắk Rơn, xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) dưới chân núi Ngọc Linh ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển.
Từ chân đến đỉnh Ngọc Linh chỉ 5km nhưng độ cao thay đổi từ 1.200m đến hơn 2.000m. Bình quân, cứ đi mỗi cây số là thay đổi 160m độ cao. Dưới chân núi, trời nắng chói chang với nhiệt độ trên 30°C, nhưng đến đỉnh Ngọc Linh, nhiệt độ chỉ còn dưới 180C, lạnh buốt. Để lên đỉnh Ngọc Linh, nếu đi bộ phải mất 3 giờ để vượt những con dốc gần như dựng đứng hoặc đi xe U-oát với tốc độ… 5km/giờ, mất 55 phút.
Lên đỉnh Ngọc Linh không dễ. Đúng cả nhiều nghĩa. Dốc đứng dựng ngược. Giữa đường là những rãnh sâu hơn 1m bị nước xé tạo thành những chiếc bẫy. Chiếc U-oát hai cầu được mệnh danh là “vua leo núi” nhưng bò chậm hơn rùa qua những đoạn đường gập ghềnh, trơn trượt. Ông Đỗ Trung Hoàng, người từng 5 năm cầm lái trên chặng đường tử thần này, mặt bình thản. Đoạn xe cố vượt qua những con dốc dựng đứng, mặt đường bị nước mưa xẻ làm đôi, sâu hóm, máy xe gầm rú, người ngồi trong xe nín thinh. Không ai nói với ai câu nào vì tâm trí dành để nghĩ đến những cảnh tượng thảm khốc như trong phim hành động Mỹ. 5km nhưng suýt lật xe 3 lần. Ai cũng nghĩ, chỉ sơ sẩy một chút là xe và người lọt xuống vực sâu cả trăm mét chỉ trong vài giây.
Cách đỉnh Ngọc Linh 2km là cánh cổng của “vương quốc” sâm Ngọc Linh. Muốn bước qua cánh cổng vào “vương quốc” nhất thiết phải có lãnh đạo của lâm trường dẫn vào với chế độ “chăm sóc”: một chủ kèm… một khách. Một cán bộ giải thích, vườn ươm được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho sâm và cho người tham quan vì nơi đây rất nhiều hầm chông. Nếu không có lãnh đạo lâm trường dẫn đường thì đừng bao giờ nghĩ đến việc vào “vương quốc” này. Bước vào vườn sâm trên đỉnh Ngọc Linh như bước vào một thế giới thần bí nào đó…
Bảo tồn để phát triển
Đặt chân vào “vương quốc” sâm Ngọc Linh, đi dưới những tán cây cổ thụ cao vút như chọc thủng màn sương, cảm giác như đang sống trong mơ. Dưới gốc cây cổ thụ là bạt ngàn những cây sâm từ 5 đến 10 năm tuổi. Cứ cách vài trăm mét là có một trại ươm cây sâm giống. Đến gần 1 năm tuổi, cây sâm con được di thực từ vườn ươm ra trồng dưới những tán rừng già và được chăm sóc đặc biệt.
Phó Giám đốc vườn ươm sâm Ngọc Linh A Hùng, người đã 14 năm “ăn ngủ” cùng cây sâm, dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm và chỉ cách phân biệt cây sâm Ngọc Linh với loại sâm khác: cây sâm Ngọc Linh có 5 cành và 1 hoa, mỗi cành có 5 lá. Cứ 6 tháng cây nảy mầm một lần, ra hoa và kết trái; 6 tháng sau, thân cây úa rụng để lại một mắt trên củ sâm sau đó cây đâm chồi và bắt đầu chu kỳ mới. Cứ mỗi mắt trên củ sâm là thể hiện 1 năm tuổi. Khi cây sâm khoảng từ 2 đến 3 tuổi sẽ bắt đầu cho hạt, lúc đó sẽ thu những hạt chín để ươm giống trở lại. Tuy nhiên, để giữ không cho chim, chuột ăn hạt, khi đến mùa hạt sâm chín, nhân viên phải canh giữ cẩn thận và thu hoạch khi hạt bắt đầu chín đỏ.
Từ việc đi kiếm từng cây, từng hạt giống, đến nay, vườn ươm có đến hàng chục ngàn gốc sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, hàng chục hécta sâm Ngọc Linh từ 5 đến 7 tuổi được trồng khắp dưới tán rừng già trên đỉnh Ngọc Linh. Hiện nay, 1kg sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên (loại từ 0,5kg/củ có độ tuổi từ 15 năm trở lên - PV) có giá từ 50 đến 100 triệu đồng/kg; sâm Ngọc Linh trồng có độ tuổi từ 7 đến 10 có giá từ 15 đến 50 triệu đồng/kg. Nếu so với giá sâm trên thị trường, đỉnh Ngọc Linh thực sự là kho báu quốc gia.
Từ sau ngày giải phóng, trong một thời gian dài, trước sự khai thác ồ ạt của con người và diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, cây sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Trước đây, cây sâm mọc tự nhiên ở các đỉnh núi cao từ 1.500m đến 2.500m thuộc dãy Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thì nay, cây sâm chỉ còn sống được ở độ cao 2.000m trở lên vì rừng bị tàn phá.
Từ năm 1998, Công ty TNHH Lâm nghiệp Đắk Tô (Kon Tum) và Công ty Dược Quảng Nam, hai đơn vị được giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gene quý sâm Ngọc Linh. Trong đó hai vườn ươm lớn nhất của Công ty TNHH Lâm nghiệp Đắk Tô tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Trạm Dược liệu Trà Linh của Công ty Dược Quảng Nam tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) mỗi năm phát triển được hàng trăm ngàn cây giống.
Khi việc giao giống sâm Ngọc Linh cho dân trồng thoát nghèo vẫn còn trên… đề án, nhiều năm qua, một số hộ dân tại thôn 2 và thôn 3 xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã thành lập nhóm, tự khoanh vùng trồng sâm Ngọc Linh và ban đầu mang lại hiệu quả cao. Những hộ dân này đã biến cây sâm Ngọc Linh thành cây thoát nghèo cho mình. Tuy nhiên, việc trồng sâm Ngọc Linh của người dân nơi đây mang tính tự phát, chưa có một quy hoạch cụ thể nào.
Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), đánh giá cao việc cần thiết phải phát triển cây sâm Ngọc Linh đại trà trong nhân dân và khẳng định: Để đồng bào vùng núi cao Nam Trà My thoát nghèo, không cây gì bằng cây sâm Ngọc Linh. Để xóa nghèo cho dân cũng như phát triển cây sâm Ngọc Linh, mỗi năm huyện mua lại khoảng 60.000 cây giống của Công ty Dược Quảng Nam - đơn vị được tỉnh Quảng Nam giao phát triển nguồn giống - để cung ứng cho dân. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí và khan hiếm cây giống nên việc phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn còn manh mún.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Kon Tum xác định sâm Ngọc Linh là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh nên xây dựng đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020. Theo đó, đến năm 2015 sẽ trồng 500ha, diện tích thu hoạch khoảng 100ha với khoảng 40 tấn sâm; đến năm 2020, phấn đấu trồng 1.000ha, diện tích thu hoạch khoảng 300ha với khoảng 150 tấn sâm. Để làm được điều này, tỉnh Kon Tum đưa đề án phát triển sâm Ngọc Linh vào danh mục kêu gọi đầu tư và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển nguồn gene sâm quý này. |
NGUYÊN KHÔI