Khó đảm bảo tỷ lệ phát sóng phim Việt trên truyền hình

Con số 30% phim Việt trong tổng thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình đang là chủ đề gây tranh cãi trong quá trình áp dụng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Giữ nguyên, hay hạ xuống vẫn đang được cân nhắc. 

Thiếu phim phát

Theo quy định tại điều 16 Nghị định 96/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh ban hành ngày 6-6-2007, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% tổng số thời lượng phát sóng phim. Ngoài ra, phim Việt Nam phải được ưu tiên phát sóng từ 20-22 giờ trong ngày (giờ vàng). Con số 30% tiếp tục được giữ nguyên ở Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện ảnh.

Phim Mẹ Rơm đang phát trên VTV1 - một trong số ít đài truyền hình đảm bảo tỷ lệ phát sóng 30% phim Việt 
Tính đến nay, chưa có một văn bản thống kê chi tiết, công khai nào về tỷ lệ phim Việt được chiếu trên tất cả các đài, kênh sóng. Tuy nhiên, theo một báo cáo vào năm 2021 của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, từ nhiều năm nay, vì đài không tổ chức sản xuất phim nên tỷ lệ này chỉ đáp ứng được khoảng 20% trên cả 2 kênh H1, H2. Còn đại diện kênh HTV2-Vie Chanel cho biết, con số này trên kênh thậm chí chỉ đạt 8%. 


Theo ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam phải đạt ít nhất 30% rất khó áp dụng trong bối cảnh hiện nay, nhất là với các đài địa phương. Đại diện đơn vị truyền hình kỹ thuật số của HTV cũng cho rằng, nguồn phim Việt mới hiện rất hạn chế, nếu con số quy định càng cao thì phải phát lại càng nhiều. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của khán giả. 

Trong khi đó, việc sản xuất phim hiện nay đang rất khó khăn, nhất là khâu kịch bản. Đại diện HTV2-Vie Chanel cho biết, đội ngũ biên kịch, biên tập cũng như năng lực sản xuất của các đơn vị làm phim trong nước đều hạn chế, cộng với đó là việc thiếu cơ sở hạ tầng để làm phim, khi phim trường, trang thiết bị hầu hết đều phải thuê khiến chi phí đầu tư làm phim bị đội lên, thậm chí cao gấp 3-5 lần chi phí mua bản quyền phim nước ngoài. 

Việc sản xuất đã khó, tình trạng “độc quyền” phát sóng càng làm mọi việc khó hơn gấp bội. Trước đây, phim truyền hình sau khi được sản xuất và phát lần đầu trên một kênh sóng sẽ được mua bán, trao đổi, nhượng quyền để phát lần 2, 3… cho các đài khác. Tuy nhiên,  đại diện đơn vị truyền hình kỹ thuật số của HTV cho biết, hiện nay việc trao đổi rất khó khăn, vì đơn vị phát sóng nào cũng có thêm nhiều hạ tầng để khai thác như phát OTT (phát phim trực tuyến), phát qua YouTube, Facebook… để gia tăng nguồn thu. Các series phim cũ đình đám trong quá khứ cũng được các đơn vị kinh doanh OTT mua bản quyền khai thác độc quyền. Ông Đỗ Thanh Hải cho biết thêm, hiện các hạ tầng OTT và các streaming xuyên biên giới đang giữ thế độc quyền với khoảng 80% tổng số phim Việt chiếu rạp trong vòng 4 năm trở lại đây. 

Vượt khó bằng cách nào?

Tình trạng khó càng thêm khó bởi doanh thu quảng cáo trên truyền hình vẫn đang trên đà sụt giảm. Đại diện HTV2-Vie Chanel cho biết, khoảng 70% doanh thu quảng cáo trên truyền hình truyền thống đang dịch chuyển sang các nền tảng mạng xã hội. Thiếu nguồn vốn khiến các đài truyền hình càng gặp khó trong đầu tư sản xuất phim, hay đặt hàng các đơn vị tư nhân sản xuất. Ngoài ra, tình trạng vi phạm bản quyền cũng đang ngày một gia tăng với những thủ đoạn tinh vi hơn. Điều này gây ra thiệt hại lớn cho các đơn vị sản xuất.

Nhận thấy những khó khăn chồng chất đó, Dự thảo 3 của nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh 2022 đã có những điều chỉnh mới. Theo đó, thời lượng phát sóng phim Việt trên các kênh có phát phim của truyền hình trong nước được thực hiện theo lộ trình 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (1-1-2023 đến 31-12-2024) đảm bảo đạt ít nhất 15%; giai đoạn 2 (1-1-2025 đến 31-12-2029) tăng lên 20%; và sẽ tiến tới mốc ít nhất 30% từ 1-1-2030. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng đang đề xuất một số quy định xử phạt đối với hành vi không bảo đảm tỷ lệ thời lượng, khung giờ phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài…

Phương án chia lộ trình với mức như trên được nhiều đại diện các đài truyền hình đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nhưng về lâu dài, để đạt tỷ lệ đáng mơ ước vẫn rất cần chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích sản xuất vừa đảm bảo đủ cung - cầu đồng thời vẫn duy trì và nâng cao chất lượng phim Việt trên truyền hình hiện nay. 

Tin cùng chuyên mục