Nhếch nhác, lộn xộn, gây cản trở giao thông là hình ảnh chung của các khu chợ tự phát đã và đang mọc lên ngày càng nhiều ở TPHCM. Trong khi TP đang ra sức tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị, hoạt động của các chợ nói trên là một lực cản đáng lo ngại…
Chợ... chạy
...“Công an đến, công an đến!”. Tiếng người í ới gọi nhau, náo loạn cả khu phố. Từng mâm thịt, cá tươi sống nhanh chóng được nhấc bổng, kê sát vào lề đường. Vài hàng rau, củ quả loay hoay chưa kịp thu dọn, vội vàng bị kéo đẩy, rơi cả thực phẩm xuống mặt đường. Chưa đầy 2 phút sau, lòng đường đã được trả lại sự thông thoáng, xe máy không còn phải nhích từng chút một. Chợt có tiếng còi hụ, tất cả cùng nhìn về một hướng. Xe của lực lượng dân phòng lướt qua. Nhưng ngay khi chiếc xe vừa chạy khuất, cũng nhanh như khi nó đến - những chiếc thau, rổ chứa đầy thực phẩm lại được bày ra giữa lòng đường, buôn bán nhộn nhịp trở lại. Những chiếc xe máy lại khổ sở chen chúc giữa dòng người, bấm còi inh ỏi.
Mặc dù sau đó xe của lực lượng dân phòng còn trở lại thêm hai lần nữa nhưng “trình tự” trên vẫn không có gì thay đổi. Đó là toàn bộ những gì chúng tôi chứng kiến được ở khu chợ tự phát trên đường Phan Huy Ôn (phường 19, quận Bình Thạnh) vào sáng ngày 5-6. Chị Xuân Mai, một người bán giỏ xách, áo thun và quần jean tại đây cho biết: “Vì là chợ tạm, “ăn theo” chợ Thị Nghè nên vị trí các quầy hàng ở đây không cố định, ai đến sớm thì giành chỗ tốt. Mỗi tuần đều bị công an đuổi 3 - 4 lần nhưng được cái buôn bán ở đây không phải đóng thuế, hàng lại bán chạy hơn trong chợ chính nên tôi đã bám trụ ở đây hơn 4 năm rồi”.
Tương tự, nhiều khu chợ tự phát cũng “ăn nên làm ra” hơn cả chục năm nay nhờ các khu chợ chính như: chợ tự phát trên đường Vũ Tùng, gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); chợ tự phát trên đường Nguyễn Văn Nghi, gần chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp); chợ tự phát trong các con hẻm nhỏ trên đường Bình Thới và Lạc Long Quân, gần chợ Bình Thới (quận 11)…
Thực tế ở TPHCM, chợ tự phát rất dễ hình thành ở những nơi “địa lợi”, tập trung đông người như bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất, làng đại học… Trong đó, hầu hết các khu chợ này đều giống nhau ở cảnh mua bán nhếch nhác, lấn chiếm lòng, lề đường, thực phẩm bày bán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; người bán không có giấy phép đăng ký kinh doanh, do đó nguồn gốc và chất lượng hàng hóa không có gì đảm bảo. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên ra quân xử phạt nhưng các khu chợ này vẫn tồn tại và hoạt động nhộn nhịp.
Thói quen khó xóa
Quyết định 64 về việc kinh doanh nông sản, thực phẩm do UBND TPHCM ban hành đã có hiệu lực từ ngày 10-8-2009. Theo đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh và sơ chế thuộc nhóm thịt gia súc, gia cầm, các loại thủy hải sản và rau, củ quả chỉ được phép bán trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi. Tuy nhiên, chợ tự phát vẫn là một trong những nơi mua sắm của người dân.
Bà Thùy Nương, nhà trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), chia sẻ: “Bốn mặt đường xung quanh chợ Bà Chiểu đều bị hàng rong chiếm đóng, muốn vào sâu trong chợ mua sắm cũng khó khăn. Hơn nữa, giá cả nhiều loại mặt hàng bên ngoài rẻ hơn trong chợ. Do đó, để giảm chi tiêu, tôi thường mua thực phẩm ở các gánh hàng rong, xe đẩy đậu dày đặc quanh khu vực chợ”. Có cầu ắt có cung, hoạt động của các chợ tự phát ngày càng nhộn nhịp, bất chấp sự nhắc nhở và xử phạt của chính quyền địa phương.
Các phường đều áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh như cưỡng chế, tịch thu phương tiện buôn bán nhưng không đem lại hiệu quả. Nhiều người lên phường đóng phạt như cơm bữa nhưng nộp phạt xong họ lại tiếp tục buôn bán, hành trình “bán - đóng phạt - bán” vẫn tiếp diễn.
Từ tháng 5-2009, Nghị định 23/2009/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, trong đó có một số quy định về xử phạt hành vi lấn chiếm lòng, lề đường với mức phạt lên đến 10 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên hầu hết các địa phương đều lúng túng trong việc áp dụng, do mức xử phạt quá cao, trong khi những người bán hàng rong đều là dân lao động nghèo, buôn bán không ổn định.
Nhưng nếu căn cứ theo điểm d, khoản 2, Điều 14 của Nghị định 146/2007/NĐ-CP (ban hành ngày 14-9-2007) các hành vi “chiếm dụng hè phố, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, sửa chữa xe đạp, mô tô, xe gắn máy, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố” chỉ bị phạt 30.000 - 50.000 đồng. Mức phạt này lại quá nhẹ khiến việc xử phạt chưa đủ tính răn đe, xử phạt xong đâu lại vào đấy. Các chợ tự phát hoạt động càng lâu càng khó dẹp. Chỉ khi các địa phương mạnh tay thắt chặt quản lý, trong đó kết hợp các biện pháp xử phạt hành chính với giải quyết việc làm cho người lao động thì mới khả dĩ giải quyết căn cơ tình trạng kéo dài chợ tự phát.
THU TÂM