Kho di sản từ những người mẹ bình dị

Kiên cường trong kháng chiến
Kho di sản từ những người mẹ bình dị

TPHCM là nơi hội tụ những bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Với dự án “Nghiên cứu, sưu tầm trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng TPHCM” do Sở VH-TT-DL TPHCM, Sở LĐTB-XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phối hợp tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tiếp xúc và hoàn thiện hồ sơ của 1.902 bà mẹ VNAH từ 46 tỉnh, thành của cả nước. Chân dung các mẹ VNAH TPHCM đã được phác họa khá phong phú và đặc sắc: những người mẹ Việt Nam cao quý mà bình dị, son sắt thủy chung mà rất đỗi anh hùng.

Mẹ VNAH, Anh hùng LLVT Nguyễn Thanh Tùng (người cầm hoa) và các nữ lão thành cách mạng chụp ảnh lưu niệm với CBNV Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Mẹ VNAH, Anh hùng LLVT Nguyễn Thanh Tùng (người cầm hoa) và các nữ lão thành cách mạng chụp ảnh lưu niệm với CBNV Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Kiên cường trong kháng chiến

Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, các mẹ thay chồng làm lụng đủ nghề để nuôi con bằng những công việc bình thường hàng ngày như làm ruộng, làm rẫy, xay lúa, giã gạo, đến tráng bánh tráng, buôn gánh bán bưng. Cũng như bao người mẹ trong thời khói lửa, mẹ cần kiệm từng đồng để tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men phục vụ kháng chiến. Có mẹ bằng tài trí của mình tình nguyện làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội ra vào, tham gia tải thương, biểu tình chống dồn dân vào ấp chiến lược, tham gia công tác binh vận, dân vận.

Có mẹ kiên quyết bám đất giữ làng, giữ cơ sở bí mật cho cán bộ, bộ đội, du kích hoạt động, cũng có người tham gia Hội Mẹ chiến sĩ, không ít mẹ tham gia hoạt động cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai… Không chỉ làm ruộng, làm rẫy, ngồi ròng rã những buổi chợ trưa để nắm tình hình quân địch, có những người mẹ dấn thân vào hoạt động cách mạng với thân phận những nhà báo, tình báo, quân báo...

Cũng không ít những người mẹ trực tiếp tham gia lực lượng võ trang và trở thành những nữ tướng cầm quân xuất sắc. Cả nhà tham gia cách mạng, mẹ phải gửi con cho người thân nuôi giữ để thuận tiện hoạt động, lại có trường hợp mẹ đã xuất gia nơi cửa Phật nhưng trước cảnh đồng bào bị giết hại, mẹ đã nhờ chốn tu hành làm nơi cứu chữa thương binh, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng… Trước cảnh nước mất nhà tan, những người phụ nữ bình dị, thủy chung, chân yếu tay mềm ấy đã không ngại dấn thân vào nơi nguy hiểm nhất, hy sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hơn 1 năm thực hiện, dự án “Nghiên cứu, sưu tầm trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng TPHCM” đã hoàn thiện thông tin cá nhân của 1.902 mẹ VNAH, ghi chép những câu chuyện kể về hoạt động cách mạng, lưu giữ những hình ảnh sinh hoạt đời thường của các mẹ VNAH cùng với hơn 1.400 hiện vật gốc cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Đây là những hiện vật đã gắn với các mẹ trong sinh hoạt đời thường, khi tham gia hoạt động cách mạng, những kỷ vật của liệt sĩ mà mẹ lưu giữ.

Đó là chiếc nồi đồng ám khói đen mà mẹ Trần Thị Ngon ở Củ Chi đã dùng nấu cơm cho bộ đội từ những năm 1940, là cái ống bơm mà mẹ Nguyễn Thị Nữa (Củ Chi) luôn cột theo xe đạp trên những tuyến đường hoạt động cách mạng từ những năm 1963. Đó là cặp đèn chong gỉ sét đã gắn bó gần cả cuộc đời của mẹ Nguyễn Thị Hương (Củ Chi), bởi ngoài sử dụng hàng ngày, cặp đèn này còn được mẹ dùng làm ám hiệu cho bộ đội. Giống như vậy, mẹ Trịnh Thị Tho (Tân Phú) dùng cái chuông nhỏ xíu để làm ám hiệu, báo tin khi có giặc đến. Đó còn là cái đồng hồ báo thức và ấm trà mà mẹ Lâm Thị Ngà (quận 10) dùng để canh giờ, canh con nước để chống xuồng đi mua lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội.

Xúc động hơn khi được xem chiếc nồi nhôm làm từ bom Napal của mẹ Bùi Thị Mộng (Củ Chi). Chiếc nồi là món quà của anh con rể thứ hai (liệt sĩ Nguyễn Văn Quê) tự tay làm tặng mẹ năm 1967, không lâu trước khi anh mất. Đó là chiếc cối giã trầu bằng gỗ mít - kỷ vật mà người chồng là liệt sĩ Đặng Văn Mười - gửi tặng vợ Trần Thị Hơn (Hóc Môn) năm 1960...

Di sản văn hóa cho đời sau

Sau ngày đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều mẹ lại tiếp tục đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, giữ nhiều cương vị quan trọng như: mẹ Nguyễn Thị Thập, mẹ Bùi Thị Mè, mẹ Văn Thị Xuân, mẹ Nguyễn Thị Nguy… Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, qua 16 đợt phong tặng và truy tặng, TPHCM có 2.086 mẹ VNAH, tuy nhiên theo thời gian do tuổi cao sức yếu, con số này ngày càng ít đi.

“Lãnh đạo Thành ủy TPHCM quan tâm sát sao và chỉ đạo gấp rút thực hiện dự án này. Tháng 6-2011, khi dự án chính thức triển khai thực hiện thì chỉ 165 mẹ trong tổng số 2.086 mẹ VNAH còn sống, thế nên tập thể cán bộ nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phải dốc sức ngày đêm chạy đua với thời gian bởi vì chậm ngày nào là chúng ta lại mất dần các mẹ ngày ấy”, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết.

  • Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

"Chúng tôi muốn nói lời tri ân đến các mẹ VNAH TPHCM - những người đã cho chúng tôi nguồn tư liệu quý giá để hoàn thiện dự án, đã cho các thế hệ trẻ những nhân chứng sống về truyền thống anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang của phụ nữ Việt Nam"

MINH AN

Tin cùng chuyên mục