Sau 4 tháng đẩy mạnh tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, TPHCM hiện có 444 người có nơi cư trú ổn định tham gia cai nghiện. Như vậy, gần 5 năm sau khi Nghị định 94/2010 có hiệu lực, số người tham gia hình thức cai nghiện ma túy không bị cách ly với môi trường xã hội vẫn chưa nhiều, so với hàng ngàn người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.
Cán bộ chăm sóc thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân tạo cảm giác gần gũi, thân thiện.
Khó vận động người tham gia
Phường 14 quận 8 - một địa bàn trọng điểm về ma túy, mới có 3 người đăng ký cai nghiện. Tuy vậy, 3 người tham gia vẫn là… con số lớn mà nhiều phường, xã, thị trấn khác trên địa bàn TP đang mơ tới và cũng nhiều hơn so với chỉ tiêu vận động (mỗi phường ít nhất 2 người) của quận 8 giao cho 3 phường làm điểm (phường 6, 12, 14). Qua nắm tình hình, phường 14 quận 8 cũng lập hồ sơ 17 người nghiện ma túy có hộ khẩu ở phường và sẽ tiếp tục vận động số đối tượng này tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường, cho biết việc vận động người dân tham gia rất khó khăn. Chưa có ai chủ động liên hệ với phường để khai báo tình trạng nghiện và đăng ký tham gia cai nghiện ngay tại gia đình, cộng đồng.
Ở quận 7, ông Phạm Thế Nguyện, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH quận cho hay, tổ vận động gồm cảnh sát khu vực, trưởng khu phố và cán bộ phòng chống tệ nạn của phường thường ghé nhà tuyên truyền gia đình và người nghiện ma túy tham gia cai nghiện. Đến nay, có 26 người tham gia, trong tổng số 116 người nghiện ma túy quận đã lập hồ sơ quản lý. Huyện Bình Chánh, qua rà soát có 166 người nghiện ma túy chưa được cai nghiện. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Đặc biệt, hầu hết số người đang tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở các quận, huyện là người sử dụng heroin - ma túy bán tổng hợp. Còn phần lớn người nghiện ma túy tổng hợp lại chưa được các địa phương “động” tới, bởi nhiều khó khăn. Theo bà Đỗ Thị Cẩm Vân, Trưởng Phòng LĐTB-XH quận 8, khi thực hiện cắt cơn, giải độc, quận vừa “trả lại” 1 người nghiện ma túy tổng hợp bởi rất khó xác định tình trạng nghiện đối với người “đập đá”. Đến nay cũng chưa có phác đồ điều trị người nghiện ma túy tổng hợp.
Tìm cách gỡ khó
|
Một trong số những trở ngại khi tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là điều kiện cơ sở vật chất và con người tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Việc cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại trạm y tế được đánh giá là quá sức đối với trạm khi đòi hỏi kèm theo phải có phương án bảo vệ chu đáo và bác sĩ có chuyên môn về cai nghiện ma túy. Tháo gỡ khó khăn này, theo chỉ đạo của TP, đến nay, nhiều quận, huyện đã lập điểm điều trị cắt cơn riêng biệt tại trung tâm y tế dự phòng. Đi vào hoạt động từ ngày 15-4, phòng cắt cơn giải độc nằm trong Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 đang thực hiện cắt cơn cho lần lượt 2 người mỗi đợt. Bà Đỗ Thị Cẩm Vân cho biết, chưa tính trang bị cá nhân (như giày dép, quần áo…) thì chi phí cắt cơn, giải độc trong vòng 15 ngày ở Trung tâm Y tế dự phòng quận khoảng 2 triệu đồng/người, “mềm” hơn so với giá của các cơ sở cai nghiện tự nguyện trên địa bàn TP.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời gian 3-6 tháng. Trong khi đó, theo Nghị định 94/2010, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên sẽ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ 6-12 tháng. Xử lý điểm khác nhau vốn gây đau đầu cho các địa phương từ nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, TP đã linh hoạt vận dụng, chọn một mốc thời gian chung là 6 tháng, đồng thời áp dụng cả hai biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với người nghiện ma túy trong khoảng thời gian trên.
Vậy sau 6 tháng, các trường hợp vẫn còn nghiện ma túy thì sẽ xử lý ra sao? Ông Trần Ngọc Du cho biết, nếu kết quả kiểm tra dương tính với ma túy, hồ sơ người nghiện ma túy sẽ được chuyển sang tòa án để xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại quận 7, đã có 2 trường hợp như vậy. Song từ đây cũng phát sinh ra tình huống: người tái nghiện ma túy chưa được tổ chức cắt cơn nghiện trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (trong khi người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đã được cắt cơn tại cơ sở xã hội trước khi đi cai nghiện bắt buộc). Trong trường hợp này, các cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ cắt cơn cho người nghiện ma túy ngay tại phòng y tế của cơ sở.
| |
ĐƯỜNG LOAN