Khó khăn phòng chống sốt xuất huyết ở Bình Dương

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhưng công tác triển khai xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc duyệt chi ngân sách.

Trong năm 2022, dịch SXH bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, cả nước ghi nhận hơn 40 trường hợp tử vong do bệnh này, tập trung chủ yếu ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.

TP Dĩ An ghi nhận 5 trường hợp tử vong với 286 ổ dịch, nhiều nhất so với các huyện thị, thành phố khác trong tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp chống dịch bệnh với tổng chi phí thực hiện đến nay khoảng 1,3 tỷ đồng, phần lớn do nhân viên y tế, cộng tác viên tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ.

Tương tự, Trung tâm Y tế TP Thuận An cũng gặp khó khăn trong phòng chống dịch SXH vì không có kinh phí chi bồi dưỡng công giám sát, công phun, nhiên liệu, hỗ trợ cán bộ chuyên trách…

Theo phản ánh của lãnh đạo một số trung tâm y tế, trước năm 2022, kinh phí thực hiện phòng chống dịch SXH và chương trình mục tiêu y tế - dân số được quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 21-3-2018.

Theo đó, hoạt động phòng chống SXH được ngân sách nhà nước chi hỗ trợ với mức thấp nhất là 5.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm để định loại véctơ truyền bệnh và cao nhất là 600.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm xác định độ nhạy cảm với hóa chất và hiệu lực diệt muỗi của từng loại hóa chất (từ khâu bắt muỗi, nuôi muỗi và phát triển cho đủ số lượng muỗi của một mẫu và xét nghiệm). Ngân sách cũng đảm bảo nhiều mục chi quan trọng khác như: hỗ trợ thực hiện nuôi cấy, phân lập virus, chi trả công người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi; chi trả công cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch…

Tuy nhiên, từ kể từ đầu năm 2022, các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, trong đó phòng chống SXH được chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương. Kinh phí phục vụ các nhiệm vụ này gồm: chi cho con người (chưa có chính sách để chi) và chi phục vụ các hoạt động, thường phải thực hiện liên tục trong thời điểm vào mùa dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận: Trước đây, các đơn vị có thể mua trước thuốc diệt muỗi để chủ động triển khai khi có dịch, nhưng nay bắt buộc phải mua theo quy định, quy trình, mất nhiều thời gian nên một số nơi gặp khó khăn, lúng túng, cũng có nơi phải tự bỏ tiền ra mua trước rồi thanh toán sau. Mong rằng, Chính phủ và Bộ Y tế sẽ có những giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là các quy định trong mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục