Khó khăn về giáo dục hậu Covid-19

Hai năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giờ đây các trường học trên thế giới đang mở cửa trở lại. Tuy nhiên, do hậu quả của dịch Covid-19 nên nhu cầu chi tiêu, trong đó có chi tiêu cho giáo dục, đang giảm sút, gây lo ngại về chất lượng giáo dục và khó có thể đạt mục tiêu giáo dục của Liên hiệp quốc. 
Một lớp học ở Bangladesh
Một lớp học ở Bangladesh

Việc mở cửa trường học trở lại tạo cơ hội thu hẹp những mất mát về kiến thức trong 2 năm trẻ em học trực tuyến. Do đó phải đầu tư cho các phòng học, tài liệu giảng dạy và quan trọng là tăng chế độ cho giáo viên. Nhiều trường học cần quay trở lại vấn đề cơ bản (đọc, viết, làm toán) và cho phép trẻ em kết nối lại để bắt kịp chương trình học - có nghĩa là phải đầu tư vào việc đo lường những lỗ hổng kiến thức trong học tập và phải giảng dạy phụ đạo cho học sinh để hoàn thành giáo trình. Tất cả điều này sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính. Nhưng nhu cầu chi tiêu đang trở nên khó khăn vì đây cũng là thời điểm các quốc gia tìm cách giảm chi tiêu do đại dịch gây ra và thiết lập lại kỷ luật tài khóa.

Ngay tại nước phát triển như Anh, theo báo Guardian, 1/4 số trường trung học cơ sở do chính quyền địa phương quản lý bị thâm hụt ngân sách trong năm 2019-2021, buộc họ phải cắt giảm biên chế, thu hẹp chương trình giảng dạy, giảm hỗ trợ cho học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật. 

Ấn Độ, quốc gia đã công bố ngân sách hàng năm cho giai đoạn 2022-2023 hôm 1-2, dự định cắt giảm chi tiêu công 2,5% GDP, ảnh hưởng đến ngân sách dành cho giáo dục. Ngân sách dành cho giáo dục tại Bangladesh chiếm 11,9% tổng ngân sách năm tài khóa 2021-2022.

Con số này thấp hơn mức 12,3% của năm 2020-2021, và thấp hơn mức trung bình hàng năm khoảng 12% trong những năm gần đây. Theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), để đáp ứng các ưu tiên giáo dục của các nước đang phát triển, chi tiêu cho giáo dục phải đạt 20% ngân sách quốc gia và chiếm từ 4%-6% GDP. Tỷ lệ GDP dành cho giáo dục công ở mức khoảng 2% ở Bangladesh, mức thấp nhất ở Nam Á và cả trong số các nước đang phát triển trên thế giới.

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vào tháng 4-2021, học sinh ở Nam Á, nơi các trường học đóng cửa lâu nhất, mất khoảng 0,55 năm lượng kiến thức tiếp thu khi học trực tuyến so với học trực tiếp. So sánh với khu vực Thái Bình Dương, trẻ em chỉ mất 0,08 năm. Xa hơn nữa, theo ADB, thiệt hại đối với năng suất trong tương lai và thu nhập suốt đời của những sinh viên bị ảnh hưởng có thể là 1,25 ngàn tỷ USD đối với châu Á, tương đương 5,4% GDP năm 2020 của khu vực.

UNESCO gần đây tuyên bố, Mục tiêu phát triển bền vững 4 của Liên hiệp quốc (SDG 4) là “đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” không thể đạt được. Các nước tham gia SDG 4 xác định các mục tiêu năm 2025 và 2030 liên quan đến các chỉ số chính của SDG 4 về phổ cập mầm non; hoàn thành trình độ tối thiểu về đọc và toán học; giáo viên được đào tạo tốt và tăng chi tiêu công cho giáo dục.

Kết quả cho thấy, thế giới vẫn không đạt được tham vọng đặt ra trong SDG 4, thậm chí chưa tính đến những hậu quả tiềm ẩn của dịch Covid-19 đối với sự phát triển giáo dục. Hiện Mỹ Latinh, Caribe, Trung và Nam Á đang trên đà đạt được phổ cập giáo dục mầm non.

Ngược lại, UNESCO cho biết khu vực cận Sahara ở châu Phi, Bắc Phi và Tây Á sẽ không đạt được mục tiêu, nơi ước tính chỉ có khoảng 2/3 trẻ em sẽ được theo học chương trình giáo dục mầm non vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục