Khó lập lại trật tự lòng lề đường nếu chỉ nhắc nhở

Không còn đường mẫu
Khó lập lại trật tự lòng lề đường nếu chỉ nhắc nhở

Đến thời điểm này, chưa quận huyện nào có thể báo cáo tuyến đường nào trên địa bàn mình quản lý đã được chuyển biến. Thậm chí, các cơ quan giám sát cũng chưa đánh giá. Đây là nhận định của lãnh đạo Ban An toàn giao thông TPHCM liên quan đến việc lập lại trật tự lòng lề đường tại 24 quận huyện trong thời gian vừa qua để báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân ngay trong tháng 8 này.

Buôn bán lấn chiếm lòng đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Ảnh: CAO THĂNG

Không còn đường mẫu

Tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh buôn bán tại TPHCM không còn là chuyện mới. Thế nhưng, dư luận bức xúc khi nó diễn ra ngày một nghiêm trọng, khắp các tuyến đường từ nội thành đến các quận huyện vùng ven, ngoại thành. Không thể thống kê hiện có bao nhiêu tuyến đường trên địa bàn quận huyện có vỉa hè bị chiếm dụng, tuy nhiên có thể thấy rõ, thời gian qua đường mở rộng đến đâu thì kinh doanh hàng quán, đặc biệt là quán nhậu chiếm dụng lòng lề đường xảy ra đến đó.

Thực trạng này đã khiến rất nhiều đại biểu HĐND TP bức xúc phản ánh tại kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM khóa VIII diễn ra tuần qua, khi góp ý về những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND TP hiện nay. Đại biểu HĐND TPHCM Hoàng Thị Diễm Tuyết than: “Bây giờ người dân thành phố muốn đi bộ tập thể dục cũng không còn lối để đi, nhất là khu vực xung quanh chợ, bệnh viện, trường học”.

Cũng theo đại biểu này, các tuyến đường kiểu mẫu từng được TP xây dựng không bị chiếm dụng, sạch đẹp, an toàn của những năm trước đã không còn nữa. “Việc giải quyết lấn chiếm vỉa hè thời gian qua như bắt cóc bỏ dĩa”, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết nói. Trong khi đó, đại biểu Cao Thanh Bình nhận xét: “Chúng ta đã giải quyết theo kiểu làm rầm rộ, nhưng khi lực lượng rút đi thì đâu lại vào đó”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, việc quy hoạch diện tích vỉa hè cho phép để xe gắn máy, kinh doanh cũng như phần vỉa hè dành cho người đi bộ trên từng tuyến đường tại các quận huyện TPHCM đã không còn được tuân thủ như trước. Xe cộ bạ đâu để đó, vỉa hè bị chiếm dụng nhưng chẳng thấy lực lượng chức năng, địa phương nào xử lý.

Ngay tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế xã hội thành phố 7 tháng đầu năm 2015, nội dung phát biểu đầu tiên, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã phải nêu bức xúc về tình trạng văn minh đô thị nói chung và trật tự lòng lề đường nói riêng tại các địa phương chuyển biến rất chậm. “Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế của TP phát triển nhưng các vấn đề xã hội chưa được quan tâm giải quyết thì sự tăng trưởng này thiếu bền vững”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhìn nhận.

Đề xuất “xử lý điểm” người đứng đầu

Đáng nói, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự đô thị mà còn được nhận định đang ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trực tiếp là người đi bộ. Báo cáo của Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn TP xảy ra 1.783 vụ tai nạn giao thông làm 344 người chết, 1.549 người bị thương. Nổi lên là tai nạn giao thông xảy ra với người bộ hành đứng thứ 2, chỉ sau xe gắn máy. Trong khi đó, theo cơ quan chức năng, trước đây, tai nạn giao thông đối với người bộ hành thường đứng thứ 4-5. Theo phân tích của cơ quan chức năng, 2/3 số vụ tai nạn giao thông xảy ra với người bộ hành lỗi do người bộ hành, còn lại 1/3 số vụ, mặc dù người bộ hành lưu thông đúng quy định nhưng vẫn bị tai nạn giao thông.

Trước con số này, nhiều ý kiến đại biểu HĐND TP cho rằng, chính tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường hiện nay đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn người đi bộ. Bởi lẽ, khi vỉa hè bị chiếm dụng, buộc lòng người đi bộ phải xuống lòng đường (vì có muốn lưu thông đúng quy định cũng không được) nên không thể nào đảm bảo an toàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cách đây 3 năm, tại trụ sở UBND TPHCM, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và lãnh đạo các bộ ngành trung ương, Chủ tịch UBND 24 quận huyện của TP đã cùng ký cam kết xây dựng ít nhất 5 tuyến đường trên địa bàn mình quản lý đảm bảo sạch đẹp, an toàn không bị lấn chiếm, trên cơ sở đó nhân rộng thêm. “Tuy nhiên, đến giờ này khi trao đổi với UBND quận huyện đã có bao nhiêu tuyến đường được lập lại theo cam kết trước đây với lãnh đạo TP thì nhiều quận huyện vẫn chưa trả lời được. Thậm chí, các cơ quan giám sát về trật tự lòng lề đường cũng chưa đánh giá”, ông Tường khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tường, để lòng lề đường bị lấn chiếm, trách nhiệm không ai khác hơn là người đứng đầu các địa phương. Chủ tịch UBND phường xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận huyện. Chủ tịch UBND các quận huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP,  chuyện này quá rõ ràng. “Thời gian qua, lãnh đạo TP có thường xuyên nhắc nhở các địa phương chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, do việc xử lý địa phương để vỉa hè bị lấn chiếm của TP chỉ dừng lại ở mức… nhắc nhở nên rồi đâu cũng vào đấy. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo UBND TP xử lý trách nhiệm mạnh tay và “làm điểm” một số chủ tịch UBND quận huyện nào để lòng lề đường ở địa phương mình bị lấn chiếm nhiều nhất, xã hội bức xúc nhất. Qua đó, chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện”, ông Tường cho biết.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục