Năng lượng sinh khối

Khó phát triển vì đầu tư lớn

Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng hệ thống lò nung khí hóa trấu sản xuất gốm, Công ty TNHH một thành viên gạch gốm Tân Mai (Sa Đéc - Đồng Tháp) đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đây là hệ thống do Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng tại TPHCM (ENERTEAM) lắp đặt và chuyển giao, với 4 buồng tựa lưng nhau, sử dụng đồng thời 2 nguồn điện lưới và điện hóa trấu.

Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng hệ thống lò nung khí hóa trấu sản xuất gốm, Công ty TNHH một thành viên gạch gốm Tân Mai (Sa Đéc - Đồng Tháp) đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đây là hệ thống do Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng tại TPHCM (ENERTEAM) lắp đặt và chuyển giao, với 4 buồng tựa lưng nhau, sử dụng đồng thời 2 nguồn điện lưới và điện hóa trấu.

Theo ông Ngô Doãn Luật, giám đốc công ty, từ khi áp dụng công nghệ mới này, công ty đã giảm được 50% nhiên liệu; tiết kiệm từ 30 - 60 đồng/viên gạch 4 lỗ. Ngoài ra, sản phẩm gốm sau nung chín đồng đều, màu sắc đẹp hơn, thời gian đốt chỉ còn 5 ngày, thay vì 15 ngày đốt thủ công như trước.

Thế nhưng, Tân Mai chỉ là một trong số ít các doanh nghiệp quan tâm đến năng lượng sinh khối, dù theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng sinh khối rất lớn. Th.S Trần Văn Tuấn, chuyên viên Trung tâm Năng lượng và máy công nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, trung bình mỗi năm ĐBSCL có thể cung cấp khoảng 6,5 triệu tấn trấu và 21,5 triệu tấn rơm rạ. Nếu sử dụng triệt để nguồn nguyên liệu sinh khối này, năng lượng điện có thể đạt 336 TJ (T=tera=1012) so với 190 TJ điện cả nước.

Con số 2% là tỷ lệ quá nhỏ mà nguồn năng lượng tái tạo đóng góp vào sản lượng điện chung của quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong khối sản xuất - kinh doanh cũng chưa mặn mà lắm với nguồn năng lượng thay thế này, vì theo Th.S Tuấn, công nghệ khí hóa hiện vẫn còn khá đắt đỏ. Điển hình như lò gốm Tân Mai, tổng vốn đầu tư (kể cả chi phí phát sinh) đã lên đến 17-18 tỷ đồng, khá cao so với nguồn lực tài chính mà các doanh nghiệp thủ công nhỏ lẻ hiện đang có.

Tại Hội thảo Công nghệ khí hóa và ứng dụng mới đây, ENERTEAM đã giới thiệu dự án lò gạch xanh với Bộ khí hóa chi phí thấp dùng trong sản xuất gạch sạch ở ĐBSCL. Đây là công nghệ được cho là phù hợp với khả năng của các lò gạch thủ công của ta hiện nay, vì giá chỉ vào khoảng 100 triệu đồng/mô đun. Qua tìm hiểu thực tế, với quy mô một lò gạch điển hình đang hoạt động, cần có từ 5 đến 6 mô đun. Nếu vậy thì khoản tiền đầu tư sẽ lên đến gần 600 triệu đồng. Một cái giá vẫn còn quá sức so với một lò gạch thủ công.

Rõ ràng còn quá khó để các cá nhân, doanh nghiệp áp dụng công nghệ tái tạo năng lượng sạch để thay thế dần nguồn năng lượng hiện có nhưng theo các chuyên gia về năng lượng, dù khó vẫn phải làm. Vì phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó đầu tư cho nguồn năng lượng sinh khối là một trong những phương án cần thiết để giải bài toán thiếu hụt năng lượng, bởi theo dự báo, nhu cầu điện sẽ thiếu hụt trầm trọng với mức tăng tiêu thụ từ 15% - 20% mỗi năm. Đặc biệt, nếu không phát hiện thêm các mỏ dầu mới có trữ lượng lớn thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ cơ bản cạn kiệt tài nguyên dầu khí.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục