Khó quản thuốc đông y

Thuốc... ba không
Khó quản thuốc đông y

Từ thuốc cam trộn chì gây ngộ độc trẻ em, thuốc nhau thai bán tràn lan thị trường và hàng loạt thuốc đông y khác “uống vô bổ liền” khiến dư luận bức xúc vừa qua cho thấy thị trường thuốc đông y - đông dược đang quá lộn xộn trên cả mọi mặt.

Với những thang thuốc đông y thế này khó đảm bảo chất lượng. Ảnh: Q.Chi

Với những thang thuốc đông y thế này khó đảm bảo chất lượng. Ảnh: Q.Chi

Thuốc... ba không

Nằm ngay lối hẻm đi vào khu dân cư, hiệu thuốc y học dân tộc cổ truyền K.D ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM bán đủ các loại thuốc đông y - đông dược. Phía sát vỉa hè, hiệu thuốc chất từng đống nguyên liệu là những bao lá cây, củ, rể, nấm linh chi… hứng nắng, bụi.

“Chú muốn mua thuốc gì, có hết. Đều tốt cả. Mua thử vài thang mà xem”, cô bán thuốc nhanh nhảu. Cô ta quảng cáo ở đây bán thuốc đông y gia truyền từ trị nhức tay, mỏi chân đến ung thư. Chúng tôi nói mua thuốc cho ông cụ ở nhà bị bệnh tiểu đường, khó ăn, mất ngủ, cô ta lấy ra một bịch thuốc vo viên màu đen và gọi là cao đơn hoàn tán, đóng từng gói 10 viên, không nhãn hiệu, không nguồn gốc, không tiêu chuẩn chất lượng…

Để tìm hiểu thêm thị trường thuốc đông y, chúng tôi dạo một lượt chợ đông y ở quận 5, hết đường Hải Thượng Lãn Ông, qua Triệu Quang Phục, Phùng Hưng… nhận thấy phần lớn thuốc đông y bán theo ký hoặc cao đơn hoàn tán không có chứng nhận tiêu chuẩn, số đăng ký hay nguồn gốc. “Chủ yếu là lấy từ Trung Quốc về, làm gì có số đăng ký”, quản lý một hiệu thuốc đông y cho biết.

Thực tế cho thấy thị trường thuốc đông y khá phong phú với đủ chủng loại, hình thức. Tuy nhiên, ít sản phẩm nào được kiểm định chất lượng.

Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay đã buộc đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc đông y không đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn thuốc hoàn mềm Bảo hoàn Cao Nghĩa Đường của cơ sở y học cổ truyền Cao Nghĩa Đường không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ ẩm; thuốc hoàn cứng Độc hoạt ký sinh hoàn do cơ sở y học cổ truyền Phước Sanh sản xuất; thuốc hoàn cứng Thạch Lâm Thông do Công ty Lâm Vĩnh Sanh sản xuất; thuốc hoàn cứng Hoa Việt vị quản thông do cơ sở y học cổ truyền Hoa Việt sản xuất…

Ngay Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phải liên tục ra tay “dẹp” thuốc đông y kém chất lượng, như mới đây đình chỉ lưu hành thuốc hoàn cứng Linh chi thiên ma thấu cốt hoàn do cơ sở thuốc y học cổ truyền Thủy Xương, TPHCM sản xuất do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ tan rã.

Điều đáng nói, theo Cục Quản lý dược, nhiều cơ sở sản xuất thuốc đông y trộn thuốc tân dược vào, gây tác hại khó lường cho người sử dụng. Vừa qua, Cục quản lý dược đã đình chỉ lưu hành thuốc đông dược có trộn thêm tân dược dexamethason có tên Phong tê cốt thống thủy chai 280ml. Theo các chuyên gia dược học, các loại tân dược thường bị trộn vô đông dược là Paracetamol, dexamethason, Corticoid… và nếu sử dụng không đúng thường gây ra hậu quả suy gan, suy thận, lão hóa…

May nhờ, rủi chịu

Đã không ít người bệnh “tiền mất tật mang” vì uống phải thuốc đông y trôi nổi trên thị trường mà cụ thể là hàng loạt trẻ em bị ngộ độc chì cấp tính vừa qua do uống thuốc cam.

Theo BS Trương Thìn, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, sản xuất theo truyền thống, có tính lịch sử đã tạo cho thị trường đông y lộn xộn nhưng không thể phủ nhận vai trò trong điều trị bệnh. Nhiều chuyên gia y học cổ truyền cũng thừa nhận sản xuất thuốc đông y theo kiểu “ai thích thì làm” đang ẩn chứa nhiều nguy hại cho sức khỏe người dân.

“Thật ra uống thuốc đông y như đánh cược với sức khỏe, may nhờ, rủi chịu”, một chuyên gia dược học thừa nhận. Nhiều bệnh viện từ thành phố đến quận huyện có khoa y học cổ truyền cũng lo ngại về chất lượng thuốc. “Bệnh viện tổ chức đấu thầu nhưng không có cơ sở đông dược nào tham gia vì xét theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế không đáp ứng được về chất lượng. Còn nếu bệnh viện tự ý ra ngoài mua thuốc về điều trị cho bệnh nhân thì vi phạm quy chế”, Trưởng khoa Y học cổ truyền một bệnh viện cho biết.

Theo ông Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y học cổ truyền - Sở Y tế TPHCM, hiện TP có trên 100 cơ sở sản xuất đông dược, 385 nhà thuốc y học cổ truyền. Lượng thuốc được sản xuất và phân phối cũng phong phú với nhiều chủng loại từ dạng thô cho người bệnh về tự sao, nấu uống đến các dạng tinh như cao đơn hoàn tán, tinh dầu, tinh bột… Cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa quản lý được nguồn gốc nguyên liệu, thành phẩm cũng như quy trình sản xuất của các cơ sở y học cổ truyền.

“Thường là cơ sở sản xuất ra thuốc tự mang đi kiểm nghiệm và công bố chỉ tiêu chất lượng, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm. Nhưng không ít cơ sở sản xuất ra thuốc nhưng cũng chẳng cần kiểm nghiệm”, cán bộ Phòng Quản lý Y học cổ truyền Sở Y tế TPHCM cho biết.

Song thực tế, hậu kiểm thì có hạn, còn tự sản xuất, tự buôn bán thì ngày một nở rộ… Theo Cục Quản lý dược, dù Bộ Y tế đã ban hành quy định nguyên tắc cơ bản để sản xuất thuốc từ dược liệu nhưng nhiều cơ sở không đáp ứng được.

“Từ năm 2014, điều kiện sản xuất dược liệu và thuốc đông dược phải áp dụng các tiêu chuẩn GMP-WHO như sản xuất tân dược”, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết. Như vậy, quy trình sản xuất thuốc đông y theo GMP-WHO đang có lộ trình triển khai từ 2014, và từ nay đến đó thuốc đông dược vẫn ẩn họa cho người bệnh!

Tại cuộc họp mới đây, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói đa số các loại thuốc đông y hiện nay sản xuất thủ công theo dạng gia đình và không ít nhà thuốc, cơ sở sử dụng nguồn dược liệu nhập lậu, trôi nổi, kém chất lượng. Nhiều thành phẩm đông y không có số đăng ký vẫn được bày bán tràn lan.

Qua khảo sát gần đây, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết 90% thuốc đông y tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam chưa thể kiểm soát được chất lượng các mặt hàng này. Ngoài việc nhiễm vi sinh, một số thuốc đông y còn nhiễm chất gây ung thư như Rhodamine B, chứa tân dược rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục