Khổ vì đám tang

“Sao đám tang để lâu vậy mà chính quyền địa phương chẳng có ý kiến gì?”, mẹ tôi phàn nàn vậy, bởi vì suốt 5-6 đêm liền bà không thể nào chợp mắt được vì đám tang bên nhà hàng xóm gây ồn ào. Lâu nay ở khu dân cư chúng tôi, đám tang để 5-7 ngày mới đưa đi mai táng đã thành chuyện bình thường. Có đám để 4 - 5 ngày, có đám để 5-6 ngày, thậm chí có đám kéo dài cả 8 - 9 ngày giữa mùa khô nóng nực.

Bao nhiêu ngày đám tang là từng đó ngày hàng xóm khổ sở vì tiếng chiêng, tiếng mõ, tiếng nhạc ai oán suốt ngày đêm. Khổ nhất là người già và trẻ em không ngủ được và cũng chẳng học hành gì được. Không hiếm đám tang rất ít tiếng khóc than của người thân, mà biến thành nơi tụ tập, rượu chè, bài bạc, với đủ âm thanh.

Mẹ tôi thắc mắc như vậy bởi vì ở quê tôi, một vùng nông thôn còn nghèo khó nhưng đã thực hiện được nếp sống văn minh trong việc tang đã lâu: Hương ước của làng quy định rõ đám tang chỉ được quàn tại nhà trong vòng 24 giờ. Những gia đình có con cái ở xa muốn kéo dài thời gian quàn phải xin phép trưởng thôn nhưng cũng không được kéo dài thêm quá 6 tiếng. Sau 10 giờ đêm, đám tang không còn được gõ chiêng, trống, mở băng đĩa gây ảnh hưởng giấc ngủ của làng xóm. Trong đám tang không tổ chức ăn uống rình rang, sau khi đưa tiễn người quá cố, không tổ chức mời cơm những người giúp việc. Giờ đây, sau gần 10 năm thực hiện, cư dân làng tôi ai cũng đồng tình với những quy định đó và bản hương ước của làng được cả xã học tập.

Trong khi đó, tại TPHCM vẫn có nhiều đám tang kéo dài hết ngày này sang ngày khác như ở khu dân cư chúng tôi, chẳng những gây tốn kém, mệt mỏi mà còn gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vốn đã quá chật chội. Điều đáng tiếc là tại một TP đang tập trung phấn đấu trở thành đô thị văn minh như TPHCM, chẳng thấy đám tang nào đi ngược lại với tiêu chí xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư bị chấn chỉnh nhắc nhở.

Thanh Tùng

Tin cùng chuyên mục