Khổ vì ngoại ngữ

Thời gian qua, báo chí tốn khá nhiều giấy mực về đề tài học và thi ngoại ngữ tại các trường trung học phổ thông. Nói thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra đây là cả vấn đề to lớn do liên quan đến nhiều vấn đề, nhất là chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Là một người đã từng giảng dạy đại học, nghiên cứu khoa học rồi đi tu nghiệp và làm việc tại nước ngoài, tôi thấy một trong những trở ngại lớn nhất của hội nhập và sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà trước hết là trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ.

Vài chục năm trở lại đây, công tác giảng dạy ngoại ngữ tại các trường trung học phổ thông đã có những cải tiến nhất định, các trung tâm ngoại ngữ mọc lên ở nhiều nơi, các chương trình gửi người đi đào tạo theo các hình thức khác nhau cũng khá hơn... nhưng tất cả những cái đó còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công việc hợp tác quốc tế đi sâu vào chiều sâu của các đề tài, chuyên môn còn rất nhiều khó khăn.

Thông thường mỗi chương trình hợp tác quốc tế sẽ có 2 vế: đào tạo con người và cung cấp thiết bị. Riêng đào tạo con người thường là 50/50, ví dụ 1 đề án có 25 cán bộ được gửi ra nước ngoài cũng có 25 cán bộ của họ vào giảng bài và làm việc với ta.

Tôi đã gặp nhiều đoàn cán bộ được gửi đi học tập ngắn ngày (từ vài tháng đến 1 năm) theo một số đề tài ở một số nước, nhiều người trong số họ không chuẩn bị kịp ngoại ngữ nên hầu như không tiếp thu nổi, vì không nghe được giáo viên và đồng nghiệp nói gì, mà đã không nghe được thì làm sao hiểu để trả lời, đàm đạo. Chúng ta biết rằng việc thảo luận, đặt câu hỏi một đề tài nào đó trong khoa học là cực kỳ quan trọng kể cả trên bục giảng và trong phòng thí nghiệm. Một số thì chỉ biết có 2 từ “yes”, “no” (tiếng Anh) hoặc “oui” và “non” (tiếng Pháp), còn nữa thì “biểu diễn” bằng tay hoặc cười trừ.

Tôi cũng biết có một số đơn vị cử người đi học mà giống như làm chính sách vậy, trước lúc về hưu cho đi một chuyến vậy thôi. Thậm chí có người thôi làm trong lĩnh vực chuyên môn lâu rồi, đã chuyển sang làm hành chính sự nghiệp cũng được gửi đi. Như vậy, đi để làm gì?

Giáo sư và giảng viên đại học của các nước tiên tiến trên bục giảng chỉ nêu vấn đề, rồi thảo luận rất sôi nổi, người nghe đặt câu hỏi rất nhiều với người thuyết trình. Người thuyết trình trả lời rất chu đáo, hoặc họ buộc người nghe tìm đọc ở thư viện khoa học, rồi hôm sau kiểm tra lại...

Tôi đã từng được một giám đốc thư viện nọ gặp phản ánh rằng: “Trong lớp học lần này “Vietnamese Participants no English, may be?” (hình như có những học viên Việt Nam không biết tiếng Anh?). Bởi lên thư viện có khi chỉ ngồi xem tranh cho vui. Khi hỏi đến thì chỉ “cười trừ”, coi như không nghe do chuyện “bất đồng ngôn ngữ”. Như vậy, với những người này, chuyến đi học tập chỉ là cuộc đi “du lịch cho vui” (cụm từ mà chúng tôi thường gọi). Khi hết đợt học tập vẫn về “bình an”, có nhiều nơi đơn vị gửi cán bộ đi mà khi về cũng không cần nộp một bản báo cáo (final report) nào cả.

Còn khi mời các chuyên gia phía đối tác tới thì sao? Một số nơi cố gắng tạo ra các lớp học nhưng phần lớn cán bộ và người ngồi phía dưới không biết hoặc rất hạn chế khả năng nghe ngoại ngữ, nên các lớp học này thường phải thuê phiên dịch từ tài liệu đến bài nói chuyện.

Chuyên gia lên lớp xong bao giờ cũng có phần thảo luận, phản biện của học viên thì tất cả hầu như im lặng, “nhất trí hoàn toàn”. Đối với họ, đây là chuyện lạ mà chưa bao giờ họ gặp ở bất kỳ nước nào. Có chuyên gia còn tỏ ra lo lắng hỏi lại chúng tôi sau buổi thuyết trình: “Chắc bài giảng của tôi tồi tệ lắm phải không, mà người nghe không ai cần hỏi một câu nào cả?” . Chúng tôi động viên ông “bởi bài thuyết trình của ông quá tốt rồi, hỏi gì nữa”. Nói vậy mà không phải vậy!

Thỉnh thoảng ta vẫn thấy ngay cả một số cán bộ quản lý khoa học khi nói trước diễn đàn với người nước ngoài mà cũng không thể dùng tiếng Anh được (!), thật lòng mà nói chúng tôi thấy “bất ổn” quá.

Có lẽ ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á hiếm có chuyện như vậy. Hãy nhìn sang Malaysia, Philippines, Thái Lan... khi học sinh vào đại học thì trình độ ngoại ngữ gần như đã hoàn thiện, ở đây hầu hết chương trình được dạy bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) theo chuyên ngành. Còn học sinh của chúng ta (trung học phổ thông) có khi nói một câu tiếng Anh cho chuẩn, cho lưu loát cũng khó khăn.

Vậy thì tại sao Bộ GD-ĐT đến nay vẫn cứ cho môn ngoại ngữ là môn phụ, môn thi tự chọn, còn chần chừ gì nữa mà không ghi môn ngoại ngữ là môn học chính như môn toán, môn văn... Nếu đội ngũ giáo viên ngoại ngữ không đủ chất lượng thì giải pháp mời giáo viên nước ngoài cho các trường trung học phổ thông là điều nên làm.

Chúng ta đã qua gần 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và gần 30 năm đổi mới mà cho đến nay vấn đề ngoại ngữ vẫn loay hoay, lúng túng. Một nhà khoa học của Hà Lan trong chương trình Nuffic trước đây, vừa rồi gặp lại, ông vẫn nói với tôi câu “Foreign languages still a very very big problem with your country” (ngoại ngữ vẫn còn là vấn đề trở ngại rất lớn của đất nước các bạn).

Vậy do đâu? Có phải do người Việt chúng ta không biết học ngoại ngữ không? Hay do chương trình, do người dạy và gì nữa…?

HOÀNG THẠCH

Tin cùng chuyên mục