Khổ vì thủ tục thông quan

Trung bình, doanh nghiệp phải mất 168 - 240 giờ để hoàn tất thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa. Cá biệt, với những doanh nghiệp kinh doanh một số ngành hàng chế biến thực phẩm đồ uống thì thời gian hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể lên đến 400 giờ. Đó là những bức xúc mà nhiều doanh nghiệp (DN) đã bày tỏ tại hội nghị tham vấn doanh nghiệp đánh giá về thực hiện Luật  hải quan, diễn ra ngày 10-9 tại TPHCM. 
Khổ vì thủ tục thông quan

Trung bình, doanh nghiệp phải mất 168 - 240 giờ để hoàn tất thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa. Cá biệt, với những doanh nghiệp kinh doanh một số ngành hàng chế biến thực phẩm đồ uống thì thời gian hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể lên đến 400 giờ. Đó là những bức xúc mà nhiều doanh nghiệp (DN) đã bày tỏ tại hội nghị tham vấn doanh nghiệp đánh giá về thực hiện Luật  hải quan, diễn ra ngày 10-9 tại TPHCM. 

Thủ tục + chi phí thông quan làm khó DN

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thép Khương Mai, cho biết không hiểu vì lý do gì mà DN nhập khẩu thép nguyên liệu và thành phẩm luôn bị đặt trong tình trạng luồng đỏ. Tức là lô hàng của DN phải bị kiểm tra chất lượng, có kết quả đạt yêu cầu mới được chuyển hàng khỏi cảng. Chỉ một lô hàng mà phải bị kiểm tra đến 9 mẫu với chi phí khoảng 3 triệu - 5 triệu đồng/mẫu. Thời gian để có kết quả phân tích mẫu mất 15 ngày. Như vậy, tính trung bình với số lượng nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn/năm, công ty phải chi phí cho lưu kho bãi và phân tích mẫu nhiều tỷ đồng. Chưa hết, các DN thép còn thường xuyên bị áp giá tính thuế cao hơn giá thành nhập khẩu sản phẩm. Đơn cử, trung bình giá phôi thép nhập khẩu khoảng 350USD/tấn nhưng cơ quan hải quan không biết căn cứ vào đâu để áp giá tính thuế là 400USD/tấn, thậm chí có thời điểm DN còn bị áp giá tính thuế lên đến 600USD/tấn. Quá bức xúc với sự phi lý này, nhiều DN đã ôm hồ sơ đến hỏi cơ quan hải quan nhưng đều bị trả lời là do có yếu tố gian lận nên bị áp giá như vậy.

Doanh nghiệp chờ giải quyết thủ tục hải quan (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Theo các DN, câu trả lời này không thỏa đáng vì DN có đầy đủ chứng từ, hợp đồng mua bán và thông tin chuyển khoản. Hơn nữa, bảng giá cũng được công khai trên toàn cầu. Do vậy, không thể vì lý do mơ hồ mà buộc DN phải chịu thiệt. Cùng chung quan điểm này với ông Khương, ông Đặng Văn Hiếu, đại diện Tập đoàn ALC, cho biết thêm trung bình mỗi tháng công ty xử lý thông quan khoảng 3.000 lô hàng. Mỗi lô hàng khoảng 10 - 20 công. Thời gian để chờ được kiểm định, xem xét không thấp hơn 15 ngày. Như vậy, trong 15 ngày này, DN phải chi trả khoảng 40USD/công hàng/ngày. Vậy tổng chi phí cho toàn bộ lô hàng là rất lớn. Đó là chưa kể DN còn phải chi trả thêm chi phí nhân công, bốc xếp, dỡ hàng…

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng ban Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, bức xúc: “Căn cứ theo Thông tư 38 thì thủ tục hoàn thuế sản phẩm xuất khẩu còn rườm rà, phức tạp hơn thông tư cũ. Để được hoàn thuế, DN phải nộp và bổ sung tất cả chứng từ hồ sơ như thông tư cũ, nhưng bây giờ lại phải được kiểm tra trước rồi sau mới ra quyết định hoàn thuế hoặc không hoàn thuế. Đó là chưa kể việc hoàn thuế cho trang thiết bị, dây chuyền sản xuất nhập khẩu hiện rất rối rắm và bất cập, thậm chí DN còn không thể hoàn thuế mà buộc phải khấu trừ vào chi phí sản xuất, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh...”. 

Cải tiến theo hướng… phức tạp

Đánh giá về tình hình thông quan từ đầu năm 2015 cho đến nay, ông Âu Anh Tuấn, Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan, cho biết thống kê kết quả phân luồng tờ khai hải quan cho thấy tình hình khá lạc quan. Cụ thể, có đến 53,3% tờ khai được phân luồng xanh, 38,35% tờ khai phân luồng vàng, số ít còn lại bị phân luồng đỏ. Thế nhưng, theo khảo sát ý kiến DN do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) thực hiện, kết quả lại không như vậy. Phần lớn DN cho rằng các thủ tục (liên quan đến quyết toán hợp đồng, quy định về thủ tục quyết toán, không thu/hoàn thuế tờ khai nhập khẩu, thủ tục thông quan…) sau khi cải tiến còn phức tạp hơn năm 2014. Nhiều chi cục hải quan thực hiện không đúng quy định. Những tờ khai thuộc hàng luồng xanh vẫn phải xuất trình hồ sơ.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ hải quan. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ý kiến của nhiều DN, việc DN vẫn bị “hành” tại hải quan một phần là do quy định không rõ ràng, sử dụng từ ngữ chung chung khiến cho cán bộ chi cục hải quan vận dụng làm khó DN. Đơn cử, trước khi Thông tư 38 đi vào thực hiện, để được chuyển hàng về kho lưu giữ và bảo quản, DN chỉ cần kê khai theo mẫu và thương thảo với cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Còn cơ quan hải quan có quyền thanh tra, kiểm tra kho hàng DN lưu giữ đột xuất. Trường hợp DN không chấp hành đúng quy định lưu giữ, tự ý thông quan lô hàng trước khi có chứng nhận thông quan sẽ bị xử lý theo quy định. Thế nhưng, với quy định mới thì toàn bộ những thủ tục phải hoàn thành trên chỉ mang tính chất tham khảo để cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét, quyết định. Điều này có nghĩa là cho dù DN có hoàn tất các thủ tục thì chưa chắc đã được đưa hàng về kho nếu Chi cục trưởng không đồng ý. Nhiều DN bức xúc kiến nghị, Tổng cục Hải quan phải quy định rõ những nhóm ngành hàng nào DN đưa về bảo quản; trường hợp nào phải lưu lại cảng để hoàn tất thủ tục kiểm định; tránh tình trạng nhiều chi cục vận dụng cụm từ “Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét quyết định”… để gây khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc đồng bộ trong áp dụng công nghệ thông tin giữa hải quan và khu vực cửa khẩu. Với Chi cục Hải quan thì sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, giám sát theo hệ thống mã vạch nhưng tại các cửa khẩu thì rất thủ công.  Mặt khác, DN đã nộp hồ sơ cho hải quan và được cho phép thông quan. Nhưng sau đó, vẫn phải vào trang web của Tổng cục Hải quan để in mã vạch rồi phải chuyển xuống cho hải quan giám sát ký xác nhận và đưa lại cho DN. Đây là khâu thừa trong quy trình thủ tục, bởi nếu kết nối thông tin tốt, cơ quan giám sát có thể vào website của tổng cục để kiểm tra, hoàn toàn không nhất thiết phải đưa ký. Chưa kể, nếu xảy ra trường hợp lỗi mạng trên website của tổng cục, DN không thể in tờ khai giám sát có mã vạch, lúc cấp bách xuất nhập khẩu hàng, DN thực sự “chết đứng”!

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu những vướng mắc trong thủ tục hải quan tại Việt Nam không được cải thiện trong thời gian tới, sẽ ảnh hưởng việc thu hút vốn FDI. Quan trọng hơn, DN Việt Nam sẽ mất hẳn lợi thế cạnh tranh với các DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục