Khổ vì trợ cấp thất nghiệp

Ngày 20-7, tại Hội thảo Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu (XNK) do Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) và các bộ, ngành tổ chức tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nêu nhiều bức xúc, bất hợp lý còn tồn đọng, gây khó khăn cho hoạt động XNK của DN về các thủ tục hải quan, thuế, các chính sách xã hội về lương, phí công đoàn...

(SGGP).- Ngày 20-7, tại Hội thảo Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu (XNK) do Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) và các bộ, ngành tổ chức tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nêu nhiều bức xúc, bất hợp lý còn tồn đọng, gây khó khăn cho hoạt động XNK của DN về các thủ tục hải quan, thuế, các chính sách xã hội về lương, phí công đoàn...

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng mối quan hệ giữa DN và các cơ quan thực thi công quyền không phải quan hệ xin - cho mà là mối quan hệ cộng sinh. Tuy nhiên, hiện nay các thủ tục hành chính ngày càng lắt léo, nhiêu khê, làm tăng gánh nặng và giảm sức cạnh tranh của DN. “Ý tưởng bỏ ân hạn thuế 275 ngày, có bảo lãnh của ngân hàng đối với DN XNK đang được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính bàn thảo sẽ là một tai họa lớn nếu thực thi” - ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch VITAS, bức xúc. Hiện nay, nhà nước đang khuyến khích DN sản xuất hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), nên với chính sách thắt chặt này, DN dệt may sẽ quay lại làm hàng gia công.

Một trong những vấn đề khiến nhiều DN bức xúc hiện nay chính là nghịch lý trong chính sách chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN Long An, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Long An cho rằng luật về thất nghiệp đang làm biến động lực lượng lao động. Luật ra đời để hỗ trợ quyền lợi người lao động nhưng trong triển khai có nhiều bất cập. Dù mức lương DN trả ở mức khá cao, trên 4 triệu đồng nhưng vẫn có nhiều lao động làm việc 1-3 năm quyết định nghỉ làm để được hưởng trợ cấp 3-6 tháng lương. Trước đây DN chỉ tuyển dụng 1-2 lần trong năm, hiện nay tuyển quanh năm vẫn thiếu. Thậm chí, nhiều DN phải chi trả nhiều tỷ đồng vì người lao động tự xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp. Lao động làm việc 1-3 năm nghỉ làm để được hưởng trợ cấp 3-6 tháng lương đã đành, nhiều DN lao động gắn bó 20-30 năm cũng nghỉ để hưởng trợ cấp một gói khoảng 60 - 70 triệu đồng. Nhiều DN dệt may tại TPHCM lao đao vì từ đầu năm đến nay đã chi 5-6 tỷ đồng trợ cấp người lao động xin nghỉ việc.

Điều nghịch lý là các cơ quan liên quan không thể kiểm soát được việc này. Người lao động đang xin, hưởng trợ cấp cùng lúc vẫn có thể làm ở DN khác, người lao động lâu năm đã xin nghỉ việc để hưởng gói trợ cấp hàng chục triệu đồng, rồi quay lại nộp đơn vào làm tiếp! Về vấn đề này, ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTB-XH, thừa nhận, đây là chủ trương đúng nhằm hỗ trợ, giúp người lao động thất nghiệp trong khi chờ tìm việc mới, tuy nhiên quá trình thực hiện chưa chặt chẽ dễ dẫn đến việc bị lợi dụng.  

M.HẠNH

Tin cùng chuyên mục