Khó xác định hành vi hành chính để khiếu nại

Theo Luật Khiếu nại, người dân có thể khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nhưng thực tế lại không dễ xác định đâu là hành vi hành chính để khiếu nại.

Theo Luật Khiếu nại, người dân có thể khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nhưng thực tế lại không dễ xác định đâu là hành vi hành chính để khiếu nại.

Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, hành vi hành chính là hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Khác với quyết định hành chính được thể hiện dưới hình thức văn bản rõ ràng (như thông báo, kết luận, công văn...), hành vi hành chính được biểu hiện bằng những việc làm thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động đối với những nhiệm vụ, công vụ được giao. Quy định pháp luật như vậy, nhưng trên thực tế người dân rất khó xác định đâu là hành vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ - công chức nhà nước, bởi hiện nay hệ thống văn bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan nhà nước, từng vị trí chuyên môn còn rất phức tạp và chưa cụ thể.

Việc người dân muốn chứng minh có căn cứ cho thấy “hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình” là rất khó. Bởi lẽ, hành vi hành chính được thể hiện ở dạng hành vi, nó không được định dạng, tồn tại dưới bất cứ hình thức văn bản nào, cho nên người dân khó lòng thu thập được chứng cứ để chứng minh sự tồn tại của hành vi hành chính và ảnh hưởng của nó đến quyền hợp pháp của mình.

Do vậy, một khi pháp luật còn chồng chéo, tồn tại những kẽ hở hay chưa cụ thể, sẽ tạo khó khăn cho người dân thực hiện khiếu nại, vì thiếu căn cứ. Hơn nữa, đối với việc khiếu nại hành vi không thực hiện hành vi hành chính của cán bộ - công chức, người dân phải chờ cho đến khi hết thời hạn pháp luật quy định mà cơ quan, cá nhân có thẩm quyền không giải quyết (ví dụ như phải hết thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ mà không cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Bên cạnh đó, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày biết được hành vi hành chính (Điều 9 Luật Khiếu nại 2011). Vậy xác định ngày này như thế nào nếu khi tiếp nhận đơn hay yêu cầu trực tiếp của người dân, người có thẩm quyền không ghi trong biên nhận ngày nhận đơn, quên vào sổ hay để thất lạc, nhất là trong quá trình chuyển giao hồ sơ... hoặc có khi nhân viên từ chối giải quyết vụ việc ngay lập tức nhưng không ra văn bản mà chỉ nói miệng trước người dân, khi yêu cầu ghi lý do từ chối thì không thực hiện.

Để việc khiếu nại hành vi hành chính thực sự đạt hiệu quả, cần hoàn thiện, thống nhất hệ thống văn bản pháp luật của nước ta, trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong thủ tục hành chính nhà nước, cần tiếp tục cải cách thủ tục nhanh gọn, tránh phiền hà người dân và nâng cao chất lượng cũng như cung cách làm việc của cán bộ - công chức

 Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục