(SGGP). – Ngày 10-11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược KH-CN 2001 – 2010, đánh giá kết quả hoạt động KH-CN giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng nhiệm vụ 2011 – 2015”.
Báo cáo của Bộ KH-CN cho biết, 5 năm qua, với mức đầu tư còn thấp nếu xét về giá trị tuyệt đối, nhưng trình độ nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, điều trị tim mạch, công nghệ tế bào... đã sánh ngang trình độ của các nước trong khu vực. Lĩnh vực có nhiều thành công nhất phải kể đến là phát triển KH-CN trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Việc Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 4 về xuất khẩu cao su, thứ nhất về xuất khẩu hồ tiêu, điều; sản lượng xuất khẩu thủy sản cũng ở mức cao với giá trị lên đến 4,26 tỷ USD năm 2009, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản năm 2009 đạt 15,2 tỷ USD có đóng góp rất lớn của KH-CN. Với nông nghiệp và thủy sản, KH-CN đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được hơn 142 giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Trong đó, phải kể đến gần 100 giống lúa mới, đưa năng suất lúa đạt 52,3 tạ/ha, đứng đầu khối ASEAN.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu nâng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 đạt khoảng 30% trong tổng GDP, 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có dự án nâng cao năng suất và chất lượng. Về xây dựng tiềm lực KH-CN, phấn đấu xây dựng 10 - 12 viện nghiên cứu và 20 - 30 tập thể khoa học đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KH-CN trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm tới cần giải quyết được một số bài toán như: thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học cũng như đưa những thành tựu của KH-CN đến nhiều hơn với doanh nghiệp; đổi mới cơ chế tài chính trong KHCN; phát triển nguồn nhân lực KH-CN; tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế để học hỏi và từng bước làm chủ những lĩnh vực KH-CN cao
TRẦN LƯU