Khoác “áo mới” cho y tế cơ sở

Khoác “áo mới” cho y tế cơ sở

Cà Mau

Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo đội ngũ y bác sĩ cho hệ thống y tế cơ sở. Từ khi y tế cơ sở khoác lên mình “áo mới” thì người dân đã tin tưởng đến khám và điều trị bệnh nhiều hơn…

Đầu tư đạt chuẩn quốc gia

Xã Khánh Tiến (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) nằm trên địa bàn ven biển, cách xa trung tâm huyện, tỉnh nên việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao còn hạn chế. Đời sống người dân còn khó khăn, nhiều hộ nghèo nên người dân sống trong vùng khi đau yếu thường đến trạm y tế khám bệnh.

Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Khánh Tiến.

Sáng sớm, sau khi đi biển về, bà Nguyễn Thị Lẹ đưa con nhỏ 3 tuổi là Lê Ngọc Thảo đến Trạm y tế xã Khánh Tiến khám bệnh, với các triệu chứng: nóng, biến ăn, ban đêm hay khóc… Bà Lẹ lo lắng vì đã cho con uống ba liều thuốc nhưng vẫn chưa khỏi bệnh. Sau khi thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ ra toa đưa bà Lẹ đem qua phòng kế bên lấy thuốc về nhà cho cháu Thảo uống. Sau 3 ngày điều trị, cháu Thảo đã khỏi bệnh, có thể đi lại đùa vui với mọi người. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lẹ nói: “Vợ chồng tôi làm nghề ghe lưới tối đi sáng về, cuộc sống chạy gạo từng bữa. Khi cháu bị bệnh thì không có tiền đi xa điều trị. Vả lại, thấy cháu bệnh chưa nặng lắm nên tôi đưa ra trạm y tế điều trị xem sao. May mà cháu đã hết bệnh nên không phải đi mượn tiền thuê xe đưa cháu lên tuyến trên điều trị tốn kém”. Bác sĩ  Nguyễn Văn Kiên, Phó Trạm y tế xã Khánh Tiến, cho biết từ khi trạm được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2013) thì công tác khám và điều trị cũng được nâng lên nhờ được đầu tư cơ sở vật chất cùng trang thiết bị y tế. Hiện trạm có 11 biên chế với 2 bác sĩ. “Hàng ngày, trạm y tế khám khoảng 50 lượt bệnh nhân. Trong quá trình khám và điều trị, chúng tôi luôn xác định trong khả năng điều trị thì sẽ nỗ lực hết mình, hạn chế thấp nhất chuyển bệnh lên tuyến trên gây tốn kém cho người dân”- BS Kiên nói. Cũng theo BS Kiên, Trạm Y tế xã Khánh Tiến không chỉ nỗ lực trong việc khám và điều trị bệnh, mà còn góp phần tích cực trong phòng chóng dịch bệnh. Vì vậy, nhiều năm qua trên địa bàn xã không xảy ra dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Tương tự, Trạm Y tế xã Việt Thắng (huyện Phú Tân) cũng làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong vùng. Hiện tại, trạm y tế đã khoác “áo mới”, không còn cảnh phòng khám xuống cấp ẩm thấp và nơi khám chật hẹp, gường bệnh xiêu xẹo… Hiện tại trạm đã được đầu tư khang trang đạt chuẩn quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí mới. BS Tô Anh Lẹ, Trưởng Trạm y tế xã Việt Thắng, bộc bạch: “Trước đây, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị không được đầu tư đầy đủ nên nhiều trường hợp bệnh nhẹ cũng phải chuyển lên tuyến trên. Nay cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, vì vậy khi “đụng” nhiều loại bệnh nhưng trạm đã có thể điều trị tại chỗ. Người dân trong vùng đã tin tưởng hơn khi đến trạm y tế xã khám bệnh”.

Chất lượng tăng

Thời gian qua, nhiều trạm y tế trên địa bàn Cà Mau được đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là Dự án nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2011 đến quý I-2014, cơ bản kết thúc, giúp làm thay đổi cơ bản hệ thống y tế cơ sở.

Theo Sở Y tế Cà Mau, hiện trên địa bàn tỉnh có 101 trạm y tế (86% trong số đó đã đạt chuẩn quốc gia và dự kiến cuối năm 2015 sẽ đạt 100%) được đầu tư trang thiết bị tương đối đầy đủ. Ngoài ra, ngành y tế Cà Mau cũng đẩy mạnh việc đầu tư về con người. Hiện 100% xã đã có bác sĩ (trong đó có 40% trạm có đến 2 bác sĩ). Với những “con số biết nói” trên, tỉnh Cà Mau là một trong những tỉnh đứng ở tốp đầu của ĐBSCL về y tế cơ sở. BS Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết: “Từ khi y tế cơ sở khoác “áo mới” thì diện mạo có những thay đổi tích cực. Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại các trạm y tế ngày càng tăng, có trạm trước đây một ngày khám chừng 20 bệnh nhân thì nay đã tăng lên gấp đôi và xu hướng bệnh nhân đến các trạm y tế ngày càng nhiều. Điều này cho thấy người dân đã có sự chuyển biến và tin tưởng hơn khi đến với các trạm y tế để khám và điều trị bệnh”. 

Cũng theo BS Việt, bên cạnh đầu tư mạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành cũng đang tăng cường đào tạo đội ngũ y, bác sĩ phục vụ tại các trạm y tế. “Chúng tôi thường xuyên luân chuyển bác sĩ từ các trạm về bệnh viện tuyến huyện tham gia công tác điều trị một thời gian nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; sau đó mới quay về cơ sở công tác. Điều này giúp công tác khám và điều trị tại cơ sở ngày càng được nâng cao thêm chất lượng. Ngoài ra, ngành y tế cũng thường xuyên tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ sử dụng các thiết bị y tế đã được đầu tư, tránh lãnh phí. Khi chất lượng y tế cơ sở được cải thiện đã góp phần tích cực làm giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên”- bác sĩ Việt chia sẻ.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục