Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông ở cửa ngõ phía Đông TPHCM sẽ có diện mạo khác, hoàn chỉnh hơn một khi hoàn tất hàng loạt dự án, công trình đang thực hiện ở đây.
Hối hả trên công trường
Được khởi công hồi trung tuần tháng 12-2015, đến nay có thể nói dự án xây dựng đường song hành với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cầu Ông Cày, đoạn từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường D11, đang bước vào những ngày bận rộn nhất. Trên công trường, lực lượng thi công đang cùng lúc thực hiện các phần việc như đổ bê tông bản mặt cầu, sàn giảm tải, trải thảm bê tông nhựa cho phần đường cuối tuyến tức đoạn từ Km0+260 đến Km0+475, thi công đá dăm lớp 1 cho phần đường đầu cầu phía đường Đỗ Xuân Hợp… Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải TPHCM quản lý địa bàn, công trình này dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30-6-2016.
Vẫn trong lộ trình sẽ hoàn thành trong năm nay là dự án nâng cấp mở rộng đường Trần Não. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 333,4 tỷ đồng này nhằm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Trần Não thành đường phố chính cấp 2, rộng 30m, đáp ứng cho xe cộ có thể lưu thông với vận tốc 60km/giờ. Công trình cũng bao gồm việc xây dựng mới hệ thống chiếu sáng và cây xanh dọc tuyến; lắp đặt dải phân cách giữa đường; ngầm hóa lưới điện 110kV Thủ Đức - An Khánh hiện hữu xuống dưới lòng đường, còn các đường dây điện trung và hạ thế cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật khác thì được ngầm hóa trong hào kỹ thuật trên vỉa hè. Hiện nay, dự án này đã thực hiện nhiều hạng mục thi công ở nhiều mức độ khác nhau: đã hoàn tất ngầm hóa đường dây 110kV; các gói thầu xây lắp giao thông đã thi công xong mặt đường đến bê tông nhựa lớp 1…
Cũng đang được khẩn trương thi công là dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội nằm trên phường Thảo Điền, quận 2. Sau khi hoàn tất, tuyến đường nối dài 1,5km có kết cấu bê tông nhựa nóng, rộng từ 25m - 35m, bao gồm 3 nút giao trên tuyến. Hiện nay gói thầu xây lắp cho nhánh giao thông từ cầu Đen 2 đến cầu Đen 1 đã thông xe còn nhánh từ cầu Đen 1 đến đường Quốc Hương đang triển khai phần mặt bằng mới được giao.
Tương tự là một số dự án, công trình khác như dự án xây dựng cầu vượt Rạch Lăng trên đường Phan Chu Trinh hiện hữu, tính luôn phần đường, kết nối đến đường Nơ Trang Long; dự án nâng cấp đường Lương Định Của đoạn từ đường Trần Não đến đường Nguyễn Thị Định thuộc quận 2; dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính của Đại học Quốc gia TPHCM; dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy; dự án xây dựng cầu Nam Lý để thay thế cho đập Rạch Chiếc nằm trên địa bàn quận 2 và quận 9…
Thi công đường song hành với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: CAO THĂNG
Cái khó “mặt bằng”
Cửa ngõ phía Đông TP có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều phối thông thương vào ra trung tâm TP để tỏa đi các tỉnh, chủ yếu là nối kết giao thông với các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Trong các luồng tuyến giao thông chính yếu cho cửa ngõ phía Đông, có thể nói tiêu biểu là 3 luồng tuyến chính: luồng xa lộ Hà Nội đi về phía cầu Đồng Nai; luồng đi vành đai phía Đông theo cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc 2 và luồng giao thông theo hướng đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định để ra phà Cát Lái.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, nhận xét rằng trong vấn đề đảm bảo, duy trì giao thông thông suốt và an toàn, điều quan trọng là có sự kết nối đồng bộ, hài hòa giữa các luồng tuyến giao thông. “Đó cũng là chiều hướng mà ngành giao thông vận tải TP đã và đang chú trọng”, ông Hùng nói thêm. Tuy nhiên vẫn còn một điểm khó liên quan đến mặt bằng thi công.
Không riêng gì cửa ngõ phía Đông, điểm lại tình hình thực hiện các công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải TP thời gian qua, người ta thấy một trong những vấn đề nổi lên đó là tồn tại trong khâu bàn giao mặt bằng thi công dự án. Có thể khẳng định rằng từ bao đời nay, giải tỏa mặt bằng hầu như vẫn là chướng ngại hàng đầu, đáng gờm nhất trong việc triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Điều này vẫn đúng cho đến thời điểm hiện nay. Theo phân cấp hiện hành, thẩm quyền thụ lý khâu giải tỏa mặt bằng thuộc về chính quyền các quận, huyện vì thế ngành giao thông vận tải TP dù có ba đầu sáu tay lắm khi cũng phải chịu trận, không thể thúc đẩy tiến độ công trình thi công nếu địa phương chậm trễ bàn giao mặt bằng.
Trong dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội, đến nay gói thầu xây lắp đường Nguyễn Văn Hưởng đoạn nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng hiện hữu đến rạch Ông Chùa vẫn chưa thể thực hiện được do chưa có mặt bằng. Tương tự, dự án xây dựng cầu vượt Rạch Lăng trên đường Phan Chu Trinh hiện hữu kết nối với đường Nơ Trang Long hiện còn vướng mặt bằng thi công hạng mục mố cầu MB và đường dẫn vào cầu về phía phường 13, quận Bình Thạnh. Dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM còn chờ quận 9 bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công gói thầu xây dựng đường song hành bờ Nam.
THIỆN NHÂN