Vai trò của y học hạt nhân

Theo Thạc sĩ Dương Văn Đông (Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), trong 5 năm tới sẽ có khoảng 40 bệnh viện có khoa y học hạt nhân được xây dựng và đưa vào hoạt động. Cùng với các thiết bị sẽ được hiện đại hóa, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị bằng đồng vị phóng xạ sẽ tăng 200% sau năm 2016…
Vai trò của y học hạt nhân

Theo Thạc sĩ Dương Văn Đông (Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), trong 5 năm tới sẽ có khoảng 40 bệnh viện có khoa y học hạt nhân được xây dựng và đưa vào hoạt động. Cùng với các thiết bị sẽ được hiện đại hóa, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị bằng đồng vị phóng xạ sẽ tăng 200% sau năm 2016…

Một thống kê khác cho thấy, số lượng đồng vị phóng xạ ứng dụng trong y tế hiện nay ước tính 1.000Ci/năm, trong đó 50% là nhập khẩu. Dự đoán trong vòng 10 năm tới, với mức độ phát triển như hiện nay sẽ tăng 200%. Với giá nhập khẩu hiện nay là 5.000USD/Ci Tc-99m (số lượng Tc-99m chiếm 90% trong y học hạt nhân), mỗi năm giá trị nhập khẩu đồng vị phóng xạ trong y tế gia tăng đáng kể.

Tính đến cuối năm 2015, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động tổng cộng khoảng 40.920 giờ, có nghĩa là mức trung bình mỗi năm hoạt động được 1.200 giờ an toàn và khai thác hiệu quả. Trong quá trình hoạt động, lò phản ứng đã được sử dụng thành công trong sản xuất nhiều loại đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ để sử dụng trong y học và các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật khác. Đã cung cấp khoảng 6.500Ci đồng vị phóng xạ sử dụng trong y học, trong đó có phần lớn là I-131, P-32, máy phát Tc-99m, Sm-153, Lu-177, Cr-5, Co-60, Ir-192... góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của y học hạt nhân tại Việt Nam.

Sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM


Được biết, hiện Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ ổn định cho 25 bệnh viện trong cả nước. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Quân y viện 108, Bệnh viện 175 trong nhiều năm trước đây đã sử dụng 100% chất phóng xạ do viện cung cấp. Tuy nhiên, từ 2 năm nay, do nhu cầu cao về số lượng mà viện không có khả năng đáp ứng đủ nên các cơ sở này đã chuyển sang sử dụng một phần hoặc toàn bộ sản phẩm nhập ngoại… “Các số liệu cho thấy thị phần của các sản phẩm nhập ngoại chiếm khoảng 40% - 50% nhưng tỷ lệ nhập khẩu đang tăng nhanh vì nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, cho dù giá của sản phẩm nhập ngoại cao hơn nhiều. Thực trạng này cho thấy một lò phản ứng hạt nhân mới với công suất lớn ra đời là rất cần thiết”, Thạc sĩ Dương Văn Đông cho biết như vậy.

Theo Thạc sĩ Dương Văn Đông, việc nghiên cứu phát triển các chế phẩm phóng xạ từ nay đến năm 2020 để phục vụ cho y học hạt nhân nước ta phải dựa trên nền tảng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ của cả hai vấn đề cốt lõi là y học hạt nhân và điều chế các sản phẩm dược chất phóng xạ. Điều này được thể hiện qua các nghiên cứu cần được tập trung trong thời gian tới, như nghiên cứu phát triển các Kit in-vivo đánh dấu với Tc-99m để chẩn đoán các bệnh tim mạch, hệ thần kinh trung ương (các bệnh liên quan tới não bộ)…

Trong 30 năm qua, kể từ ngày đưa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào hoạt động, lĩnh vực y học hạt nhân của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Thông qua các dự án viện trợ kỹ thuật, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cung cấp một số thiết bị y học hạt nhân cơ bản và hiện đại, đồng thời hỗ trợ đào tạo đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên cho các bệnh viện. Viện Công nghệ hạt nhân đã tích cực thực hiện chương trình mở rộng mạng lưới y học hạt nhân bằng cách hỗ trợ cho các bệnh viện thành lập các khoa y học hạt nhân, như: Tham gia tư vấn xây dựng dự án, thiết kế phòng ốc; cung cấp các thiết bị, dược chất phóng xạ và hỗ trợ trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, y bác sĩ cho các bệnh viện.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục