Khoai Nhật “đánh bật” lúa xuân

Đông - xuân là vụ sản xuất chính trong năm, nhưng nhiều mảnh ruộng ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang… đang được cho thuê với giá 40 - 60 triệu đồng/ha để trồng khoai lang tím Nhật, làm xáo trộn quy hoạch đất lúa.
Khoai Nhật “đánh bật” lúa xuân

Đông - xuân là vụ sản xuất chính trong năm, nhưng nhiều mảnh ruộng ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang… đang được cho thuê với giá 40 - 60 triệu đồng/ha để trồng khoai lang tím Nhật, làm xáo trộn quy hoạch đất lúa.

  • Thuê đất lúa trồng khoai

Chuyện cho thuê đất trồng khoai trên đất lúa đang làm phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Ông Lê Trung Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình, Vĩnh Long), cho biết: Hàng năm nông dân địa phương chỉ trồng khoảng 1ha khoai lang. Năm nay người nơi khác đến xã thuê đất trồng khoai tăng đột biến. Từ 1ha nay tăng lên khoảng 30ha đất lúa chuyển sang trồng khoai lang. Trong đó, chỉ có 2 hợp đồng cho thuê đất với diện tích 1,5ha có chứng thực của UBND xã.

“Cho thuê đất lấy tiền “tươi”, tính ra thu nhập bằng với trồng lúa thì tội gì giữ đất sạ lúa cho cực thân” - bà Nguyễn Ngọc Lợi, ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ, bộc bạch như trên. Bà Lợi cho biết: Gia đình có 3.500m² đất trồng lúa 3 vụ, năng suất khoảng 6 tấn/ha/vụ. Có người đến hỏi thuê đất trồng khoai với giá 4 triệu đồng/1.000m². Nhẩm tính có lợi, liền ký hợp đồng nhận ngay 14 triệu đồng mà không phải tốn công, tốn sức. Đất bà cho ông Phạm Hoàng Dũng ở huyện Bình Minh thuê trong vòng 3 năm, tiền thuê trả theo từng năm.

Nông dân Bình Tân (Vĩnh Long) vỡ đất lúa để trồng khoai. Ảnh: T. M. TRƯỜNG

Nông dân Bình Tân (Vĩnh Long) vỡ đất lúa để trồng khoai. Ảnh: T. M. TRƯỜNG

Ông Nguyễn Văn Phúc, ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ, cũng cho mướn 2.500m² đất trồng lúa, chia sẻ: “Đất tôi giáp ranh 2ha đất ông Nguyễn Văn Minh và 3.500m² đất của ông Phạm Hoàng Sơn đã cho mướn nên tôi cũng cho thuê luôn. Xung quanh người ta bao vây mình, nằm ở giữa sẽ rất khó trồng lúa. Giữ đất lại trồng lúa cực khổ hơn cho thuê đất mà thu lợi cũng bằng cho mướn”.

Ngậm ngùi hơn là ông Lê Văn Phải. Không thể cạnh tranh lại những người trồng khoai nên đành buông xuôi mảnh đất 2.500m² mà ông đã mướn trồng lúa gần chục năm. Ông Phải nói: Trước đây mướn đất trồng lúa với giá 400kg/1.000m²/năm là khá cao, nay mấy ông trồng khoai tấn công vào đất lúa, thuê với giá 4 triệu đồng/1.000m²/năm nên tôi không thể cạnh tranh nổi, đành buông tay, kiếm việc khác mưu sinh.

Theo ông Lê Trung Toàn, chủ trương của huyện Tam Bình là khuyến khích áp dụng cơ cấu sản xuất 2 lúa + 1 màu, chưa khuyến cáo nông dân chuyển sang chuyên canh khoai lang trên vùng đất 3 vụ. Việc người dân ở địa phương khác đến thuê đất trồng khoai đang làm chính quyền cơ sở lo ngại vỡ quy hoạch của địa phương. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn hiệu hàng hóa… đang là vấn đề bức xúc.

  • Nước ngoài bỏ vốn?

Phong trào trồng khoai lang còn phát triển ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Ông Ngô Văn Phúc canh tác 5ha khoai ở xã Thành Lợi (Bình Tân, Vĩnh Long) vẫn... chưa xứng tầm, đã khăn gói sang xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ thuê thêm 3ha đất ruộng để trồng khoai.

Ông Phúc cho biết vùng đất mới Thới Hưng trồng khoai lang đạt năng suất cao và rất an toàn vì nằm trong đê bao chống lũ. Thấy ông Phúc mướn được đất nên ông Tám Liêm ở xã Thành Trung, Bình Tân cũng băng sông Hậu đến xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ thuê 3ha đất ruộng trồng khoai lang tím Nhật.

Bạo gan hơn, nông dân Nguyễn Văn Thanh, 30 tuổi ở xã Tân Thành, Bình Tân sang xã Thới Hưng thuê đến 10ha để trồng khoai lang. Toàn bộ diện tích thuê đất ở Cờ Đỏ chỉ trồng một giống là khoai lang tím Nhật. Hiện giống khoai này đang được thương nhân Trung Quốc thu mua tại vựa ở Bình Minh và chuyển về Trung Quốc rất mạnh nên có lợi về giá.

Ông Nguyễn Văn Quẹt, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Trong vòng 2 năm, vùng đất Thới Hưng đã thu hút mạnh những người từ nơi khác đến thuê đất trồng khoai lang tím Nhật. Đây không phải tín hiệu vui vì nông dân cho mướn đất trồng khoai sẽ làm giảm sản lượng lúa hàng hóa và xáo trộn tính bền vững trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Theo ông Ngô Thanh Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ, thống kê ban đầu, toàn huyện có trên 600ha đất sản xuất 2 vụ lúa 1 màu chuyển sang trồng khoai lang, chủ yếu do nông dân từ Đồng Tháp, Vĩnh Long đến thuê trồng khoai lang.

Hiện tại, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa thống kê được diện tích đất lúa chuyển sang trồng khoai lang Nhật. Nhưng việc cho thuê đất trồng khoai đã phá vỡ quy hoạch đất lúa rất rõ. Theo điều tra ban đầu của các địa phương, phần lớn những người từ nơi khác đến thuê đất, thuê mướn lao động trồng khoai thực chất chỉ là “cò”. Còn hậu trường do thương nhân Trung Quốc rót vốn vì nông dân sở tại không thể có vốn lớn trồng hàng chục hécta (mỗi hécta đầu tư 200 - 300 triệu đồng).

“Về lợi ích kinh tế, nông dân có quyền quyết định việc sử dụng diện tích gieo trồng sao cho đem lại lợi ích cao nhất. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo không nên ồ ạt chạy theo xu hướng cho thuê đất để phát triển cây khoai lang. Việc làm này sẽ phá vỡ quy hoạch, dễ xảy ra tình trạng tồn ứ sản phẩm…”

Ông Võ Văn Theo
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, Vĩnh Long

PHONG TRẦN

Tin cùng chuyên mục