Hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên
(SGGP).- Ngày 17-3, tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2015-2016, triển khai sản xuất vụ hè thu và vụ mùa 2016 các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Theo Cục Trồng trọt, từ đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm cho nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15%-30% trung bình nhiều năm, nhiều nơi không có mưa như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa gây khô hạn nặng. Tổng diện tích cây trồng vụ đông xuân 2015-2016 toàn khu vực bị ảnh hưởng là hơn 177.000ha. Trong đó, hạn hán đã khiến hơn 22.000ha lúa ở khu vực bị giảm năng suất, nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn.
Đại diện ngành khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhận định, từ nay đến hết năm 2016, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục có diễn biến hết sức khó lường. Nhiệt độ trung bình toàn khu vực từ nay đến khoảng tháng 6-2016 dự báo sẽ tăng từ 0,30C-0,70C, lượng mưa có thể thiếu hụt từ 30%-50% so với trung bình nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện tại nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích trữ thấp và dự kiến trong thời gian tới mực nước sẽ còn thấp hơn. Do vậy, trong vụ hè thu sắp tới, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ có khoảng 50.000ha diện tích cây trồng phải ngưng sản xuất, trên 31.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trước mắt các địa phương cần phải lập phương án vụ hè thu 2016 để chủ động phòng chống, giảm thiệt hại cho sản xuất. Cụ thể, vùng nào đủ nước thì tập trung canh tác đúng vụ, còn vùng có nguy cơ thiếu nước thì cần bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ , bố trí lại thời vụ sản xuất. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, các địa phương cần chủ đồng rà soát giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, linh động cắt giảm diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp… Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh. Cùng với đó, nhanh chóng xây dựng kế hoạch sử dụng tưới tiết kiệm, tích nước và điều tiết nước từ các hồ thủy điện; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng tâm hạn. Về lâu dài, phải rà soát quy hoạch thủy lợi, trồng trọt; tích cực trồng và bảo vệ rừng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng công trình phòng chống hạn để thích ứng với điều kiện cực đoan của
thời tiết.
NGUYỄN TIẾN