Khoảng lặng của những giọt nước mắt

Khoảng lặng của những giọt nước mắt

Trong những ngày cuối tháng 12, đất nước rộn ràng với những hoạt động chào mừng 67 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2011), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức buổi họp mặt, giao lưu, trưng bày chân dung mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Cả hội trường lặng đi, đồng cảm với lời phát biểu khai mạc của bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ: “Có thể nói đây là cuộc họp mặt lịch sử của thế kỷ 21, bởi chỉ vài năm nữa thôi, hình ảnh của những mẹ VNAH chỉ còn trong chuyện kể như là huyền thoại…”.

  • Dâng trọn máu thịt cho Tổ quốc

Và tôi, cứ mỗi lần nhìn những mẹ VNAH quê kiểng về Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ họp mặt, lòng không khỏi rưng rưng, dâng trào bao cảm xúc. Những bà mẹ không chỉ dâng tặng cho Tổ quốc những người con mình đứt ruột đẻ ra mà còn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho Tổ quốc quyết sinh. Câu nói có giá trị như chân lý thốt ra từ lồng ngực một bà mẹ quê chân chất: “Chồng con tao là ở trong tim tao đây, chúng bay cứ mổ ra mà kiếm”. Đó là bà Trần Thị Kế, ở cồn Ốc, xã Thạnh Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Diệu Hương cùng hai con (Ảnh do gia đình cung cấp).

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Diệu Hương cùng hai con (Ảnh do gia đình cung cấp).

Tượng đài bà mẹ dang cánh tay, lấy thân mình che chở cho những người con trước mũi súng quân thù được dựng lên trang trọng ngay giữa quảng trường thành phố Đà Nẵng. Đó là bà mẹ Nhu nơi căn cứ lõm cửa biển, tần tảo nuôi con lên đến đại học, đưa con mình đến với cách mạng. Mẹ đào hầm cho các biệt động thành đánh giặc. Mẹ chắt chiu từng con cá, con tôm đổi lương thực nuôi các chiến sĩ dưới hầm. Mẹ còn đi điều tra, thu thập tin tức, làm giao liên cho biệt động. Bị chỉ điểm, địch kéo đến vây ráp. Mẹ Nhu bị trói, bị đánh đập rất tàn nhẫn nhưng mẹ kiên quyết không chỉ hầm bí mật. Từ dưới hầm, các chiến sĩ biệt động nghe rất rõ lời cuối cùng của mẹ: “Hầm ở trong tim tao”. Mẹ Nhu hy sinh trong tư thế khom lưng ôm hai đứa con vào lòng.

Trong buổi giao lưu, cả khán phòng vô cùng xúc động trước những lời tâm sự mộc mạc của các mẹ. Mẹ VNAH Phạm Thị Thế ở Tân Nhựt, Bình Chánh nay đã 108 tuổi. Mẹ không nói hết những nhọc nhằn một kiếp người, nhưng làm sao những người đang được sống hôm nay không cảm nhận được sức nặng cuộc đời anh hùng, thầm lặng của mẹ. Không chỉ ngày đêm bơi xuồng tiếp tế lương thực cho hai cuộc kháng chiến, không chỉ dũng cảm bám đồng ruộng cấy lúa dưới mưa bom bão đạn, người mẹ sống hơn 1 thế kỷ ấy còn cống hiến cho Tổ quốc 4 người con trai. Các anh hy sinh ở khắp các chiến trường, có anh mẹ không tìm được hài cốt…

Tôi còn nhớ trong cuộc giao lưu với đoàn phụ nữ Nhật Bản năm 2002, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Điểm (Thanh Tùng), cũng là bà mẹ VNAH, đã làm những người bạn vô cùng ngạc nhiên khi nghe về huyền thoại một bà mẹ biệt động Sài Gòn. Mẹ đã từng đi ở, từng bị đánh ghen khi hòa vào quần chúng hoạt động cách mạng. Trong vỏ bọc của một đại úy hải quân, mẹ đã tham gia đội biệt động đánh nhiều trận trong nội thành Sài Gòn. Người nữ chiến sĩ biệt động ấy không chỉ xây dựng nhiều cơ sở trong lòng địch, diệt nhiều tên ác ôn mà còn thực hiện hàng chục chuyến đưa vũ khí vào nội thành với hơn 1.000kg thuốc nổ… Khi biết không chỉ chồng mẹ đã hy sinh mà hai người con trai của vị nữ anh hùng kia đã ngã xuống ngay trên cửa ngõ vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, những người bạn Nhật Bản đã rưng rưng nước mắt, không thể tưởng tượng nổi vì sao mẹ đã vượt qua những mất mát vô cùng to lớn của đời người…

  • Tượng đài trong tim

TPHCM có đến 74/1.974 mẹ VNAH mà bản thân mẹ còn là liệt sĩ. Tôi lặng đi khi đứng trước phòng trưng bày chuyên đề “Chân dung mẹ VNAH TPHCM”, ở góc trang trọng nhất dành đặt chân dung những mẹ VNAH đã hy sinh. Mẹ VNAH - liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu Hương đang được con gái là Phan Thị Khanh thờ cúng trong ngôi nhà ở phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM. Mẹ đã dũng cảm hy sinh cùng chồng là ông Phan Thanh Khiết, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong căn hầm bí mật ở chiến khu.

Đến dự buổi giao lưu, chị Phan Thanh Khương (em chị Phan Thị Khanh), cựu học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi được đưa ra miền Bắc học tập, đã chia sẻ cùng khán giả một khoảng lặng, sau tiếng nấc nghẹn và những dòng nước mắt. Chị kể đêm cuối cùng gặp mẹ ở chiến khu. Dù chị đã 19 tuổi, người mẹ vẫn xem chị là đứa con gái bé bỏng, vẫn tự tay tắm cho chị, nâng niu mái tóc dài của chị. Mẹ chị quý từng giây phút bên con gái, bởi cộng lại những ngày đoàn tụ của gia đình, chỉ được tính bằng tháng, bằng ngày ngắn ngủi. Khi ra khỏi hầm, mẹ bắt chị đi trước để sửa dáng đi của chị cho đẹp… Chị đâu ngờ đó là giây phút cuối cùng bên mẹ. Lời cuối cùng của chị chìm trong nước mắt…

Tôi lặng đi vì nước mắt của chị, lòng thầm nhủ: “Hãy đến với Mẹ VNAH bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Hãy đặt tượng đài mẹ trong mỗi trái tim con người”. Xin hãy đến với những mẹ VNAH bằng khoảng lặng những giọt nước mắt…

TRẦM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục