Khoảng trống pháp luật về quản lý tiền công đức

Trong báo cáo gửi Quốc hội Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý tiền công đức. 

Trước khi đăng đàn trả lời trực tiếp chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có văn bản báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV gửi các vị ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay, 5-6
Về việc quản lý nguồn thu từ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có rất nhiều mô hình quản lý khác nhau đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhưng nhìn chung có thể chia thành 3 loại hình chính là quản lý của Nhà nước; quản lý của cộng đồng và quản lý của cá nhân.

Theo đó, việc quản lý nguồn thu từ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng do Nhà nước quản lý chỉ có 2 nguồn thu là phí tham quan; tiền từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ (nếu có). Việc quản lý nguồn thu từ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng do Nhà nước quản lý có 3 nguồn thu là: Phí tham quan (nếu có, vì có di tích không thu phí tham quan như Núi Sam, An Giang); tiền từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ; tiền công đức.

Việc quản lý nguồn thu từ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh do cộng đồng và cá nhân quản lý cũng có 3 nguồn thu là phí tham quan (nếu có); tiền từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ; tiền công đức quản lý theo Luật tôn giáo, tín ngưỡng và Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV của liên Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và Bộ Nội vụ.

Đối với nguồn thu từ du lịch tâm linh không phải là di tích, ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Không có khái niệm “du lịch tâm linh” nhưng có thể hiểu là một sản phẩm du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Các hoạt động này có 3 nguồn thu chính là: phí tham quan (nếu có); tiền từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ; tiền công đức”.

Trong đó, phí tham quan thực hiện theo quy định của Luật phí và lệ phí do HĐND tỉnh quyết định, UBND tỉnh ban hành và tiền phí nộp ngân sách Nhà nước. Tiền từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và nộp thuế theo quy định hiện hành như: tiền đi cáp treo, xe điện, chụp ảnh, ăn uống…

Tiền công đức phải công khai, minh bạch theo quy định Luật tôn giáo, tín ngưỡng và Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý tiền công đức.

Thời gian tới, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài chính và tôn giáo tín ngưỡng, quy định cụ thể việc quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh.

Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Khoản 6, Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; đồng thời tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý di tích của địa phương thực hiện việc quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/TTLT/BVHTTDL- BNV ngày 30/5/2014 của liên Bộ VHTTDL - Bộ Nội vụ…

Chính quyền địa phương được đề nghị phối hợp với giáo hội các cấp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích có gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng nhằm tạo sự thống nhất, đoàn kết trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Tin cùng chuyên mục