Khoảng trống từ cát lòng sông

Trong khoảng 15 năm qua, tải lượng phù sa lơ lửng trên sông Cửu Long đã giảm từ 160 triệu tấn xuống còn 75 triệu tấn, nghĩa là hơn một nửa lượng phù sa đã bị mất đi.
Trong 2 tháng qua, giá cát ở ĐBSCL tăng kỷ lục. Khi mà sạt lở, sụp lún tràn lan, người dân ở các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre phản ứng mạnh với việc khai thác cát, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, chuyện khan hiếm nguồn cung là điều tất yếu. Giờ là lúc cần nhìn nhận nguồn tài nguyên quý giá không phải là vô tận này ở ĐBSCL!
Cuối tháng 4-2017, giá cát ở Cần Thơ chỉ dao động khoảng 100.000 đồng/m3. Sau đó, giá cát bắt đầu nhích lên và đến đầu tháng 6-2017 đạt mức kỷ lục 350.000 đồng/m3, tăng gấp 3 lần chỉ trong hai tháng.
Câu chuyện giá cát tăng làm các nhà thầu xây dựng khốn đốn lo âu khi trót nhận công trình xây dựng. Còn các chủ vựa vật liệu xây dựng cũng phải tung ra các chiêu trò cạnh tranh đẩy giá mua từ người khai thác. Chuyện thiếu cát xây tô, cát nền cục bộ liên tiếp xảy ra ở các đô thị lớn ĐBSCL. Thậm chí nhiều người đã sử dụng đá bụi thay cho cát nền, kéo theo giá đá bụi cũng tăng cao.
Theo các nhà khoa học, trong khoảng 15 năm qua, tải lượng phù sa lơ lửng trên sông Cửu Long đã giảm từ 160 triệu tấn xuống còn 75 triệu tấn, nghĩa là hơn một nửa lượng phù sa đã bị mất đi.
Các hoạt động của con người cũng góp phần gây hậu quả nặng nề cho vùng đồng bằng khiến các lòng dẫn của nước bị đào sâu xuống, gây sạt lở nghiêm trọng cả hai bên bờ sông và vùng ven biển.
Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa, thì nay do ít vật liệu truyền dẫn hơn, khiến gia tăng hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy trở nên mạnh và hung dữ hơn, nước “đói” sẽ “ăn” dần đất ở hai bên bờ sông và lòng dẫn.
So sánh hiện nay với 10 năm trước, cả đáy sông Tiền và sông Hậu đều sâu hơn gấp 2-3 lần ngày trước. Mực nước ngầm xuống thấp làm mặt đất thêm sụt lún và quá trình mực nước biển dâng, xâm thực mạnh làm mất dần đất vùng ven biển. 
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), hầu hết các huyện ven sông, ven biển vùng châu thổ sông Cửu Long đều có những minh chứng quá trình sạt lở và lún sụt nghiêm trọng ngày một gia tăng và chưa hề có dấu hiệu chững lại.
Hiện nay, vùng châu thổ có khoảng hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, trung bình mỗi năm mất hơn 500ha, tương đương xóa sổ trên bản đồ diện tích của một xã. Ảnh vệ tinh cho thấy, ở vùng ven biển các điểm thoái lui gia tăng nhiều, cao hơn gấp đôi điểm bồi lấp. Có nơi vùng biển lùi dân về phía đất liền từ 10 - 12m/năm.
Nhiều cánh rừng ngập mặn cũng không giữ nổi đất dưới sự giận dữ của thiên nhiên, từ dòng chảy và sóng biển. Đặc biệt, việc xuất khẩu cát ra nước ngoài, dù cát tận vét vùng ven bờ biển, sẽ là “những cú ra đòn” làm đồng bằng thêm rệu rã và dễ tan vỡ dần.
Vì thế, điều khẩn thiết hiện nay là phải ngưng ngay việc xuất khẩu cát ra nước ngoài, dù đó thuộc loại gì đi nữa. Nếu cần phải nạo vét luồng lạch cho giao thông thủy thì khối lượng cát dư thừa phải được đổ bù vào các vùng bị sạt lở, xâm thực ven biển để tôn cao vùng bờ, dù phải chịu tốn kém nhưng rất cần thiết.

Tin cùng chuyên mục