Khoảnh khắc thứ 20...

Đây thực sự là cái khoảnh khắc mà Michael Phelps đã chờ đợi từ rất lâu. Với tất cả những khó khăn, thách thức vây bọc khắp tứ phía, khi mà Phelps đã không còn giữ địa vị độc tôn trong cự ly 200m bướm với việc đánh mất tấm HCV danh giá ở Olympic London hồi 4 năm trước (chỉ giành HCB, xếp sau “sát thủ Nam Phi” Chad le Clos), anh vẫn cho thấy cái năng lực không thể bị từ chối. Sau khi chạm thành hồ đích đến đầu tiên, Phelps đã giơ một ngón tay lên trời. Sau đó, Phelps leo lên ngồi trên sợi dây phân chia làn bơi và hòa nhịp cùng đám đông cực kỳ phấn khích ở Trung tâm thể thao dưới nước Olympic, trước khi hướng về phía hàng ghế nơi vị hôn phu và con trai đang ngồi, để giơ cao nắm đấm ăn mừng. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ thứ 20 trong sự nghiệp thi đấu ở Thế vận hội của Phelps, khoảnh khắc anh vui mừng vì biết rằng, mình đã giành lấy tấm HCV Olympic thứ 20 trong đời.

Mỗi con người, mỗi VĐV, đơn giản chỉ cần một khoảnh khắc đáng nhớ và chói lòa ở Olympic. Nhưng đó là đối với những VĐV bình thường, và Phelps chưa hề bình thường. Anh được mệnh danh là “viên đạn Baltimore”, được xem là một “siêu kình ngư”, có người còn xem anh là một dạng... “người đột biến”, là “Đội trưởng nước Mỹ”. Và chỉ có một “Đội trưởng Mỹ” đúng nghĩa mới có đủ năng lực hưởng thụ 20 khoảnh khắc mùa Hè tại Olympic trong tiếng hò reo vang vọng của khán giả, dưới làn nước xanh ngắt một màu. Hôm qua, Phelps lại tiếp tục tiến sâu vào lịch sử thể thao thế giới, vì là người duy nhất đạt cột mốc 20 tấm HCV Olympic, một kỷ lục mà sau này hàng trăm năm, hay thậm chí hàng ngàn năm, chưa chắc có ai đuổi theo nổi. Hôm qua, Phelps lại chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, có thể anh đã già, những bó cơ đã lão hóa và mỏi mệt, nhưng ý chí của anh, vẫn tươi trẻ như hồi năm 2000.

Phelps đã giành chiến thắng trong cự ly 200m bướm với thành tích 1’53”36, đánh bại Masato Sakai (Nhật Bản, 1’53”40) và Tamas Kenderesi (Hungary, 1’53”62). “Kình địch” Le Clos của anh  thậm chí chỉ xếp hạng 4 với thành tích 1’54”06. Thành tích giành chiến thắng của Phelps thua xa kỷ lục Olympic 1’52”03 do chính anh nắm giữ, thậm chí còn thua rất xa KLTG 1’51”51 mà anh từng thiết lập ở Giải bơi lội VĐTG Berlin 2009 (khi mà bộ đồ bơi chất lượng kỹ thuật cao vẫn còn chưa bị cấm sử dụng), nhưng với Phelps vào lúc này, phá KLTG về mặt thời gian không còn là nhu cầu của anh. Anh đang chiến đấu với thời gian theo một cách thức hoàn toàn khác, không phải là nhanh hơn, mạnh hơn mà là bền bỉ hơn, và kiên cường hơn. Tấm HCV thứ 20, lại ở trong nội dung mà anh đã từng đánh mất vị thế, vì thế, lại càng có thêm nhiều giá trị, thể hiện nhiều nét con người của “siêu nhân” Michael Phelps.

Khoảnh khắc thứ 20, xét về mặt sự nghiệp của Phelps, chỉ diễn ra trong một sát na ngắn ngủi. Vì ngay sau đó, Phelps đã lại có cơ hội trải nghiệm cái khoảnh khắc tuyệt vời thứ 21 của mình. Đó là khi anh dẫn dắt các đồng đội, các đàn em, giành chiến thắng ở nội dung 4x200m tiếp sức tự do. Ở đợt bơi chung kết, Phelps đảm nhận trọng trách “bơi ở vị trí chốt sổ”. Sau khi Conor Dwyer (1’45”23), Townley Haas (1’44”14) và “kình địch kiêm bạn thân” Ryan Lochte của Phelps (1’46”03) hoàn tất phần thi của mình, Phelps đã lao nhanh xuống hồ và chạm đích đến với thành tích 1’44”26, giúp tuyển Mỹ giành ngôi vô địch với tổng thành tích 7’00”66, đánh bại đội bơi Anh quốc (7’03”13) và đội bơi Nhật Bản (7’03”50) một cách rõ ràng. Có người phải chờ đợi cả cuộc đời để có một khoảnh khắc Olympic đầu tiên, với Phelps, khoảnh khắc thứ 20 đến khoảnh khắc thứ 21 lại chỉ là một sát na ngắn ngủi.

“Như vậy là quá nhiều huy chương rồi”, Phelps tâm sự khi đã có tổng cộng 25 tấm huy chương Olympic trong sự nghiệp, “Thật là điên khùng. Tôi đang cảm thấy mê mẩn cả tâm hồn. Tôi đã hoàn tất tấm HCV thứ 20. Tôi đã đến hồ bơi với một nhiệm vụ trong đầu, giờ đây, nhiệm vụ đã hoàn thành. Giờ đây, tôi đang chờ đợi quãng thời gian còn lại của tuần lễ này và thậm chí, tôi vẫn còn chưa đi được nửa chặng đường”. Ý Phelps là rất rõ ràng, anh muốn có thêm những khoảnh khắc tiếp theo, thứ 22, thứ 23 và thứ 24 - trong khả năng có thể tại Rio này, ở các nội dung 100m bướm, 4x100m tiếp sức hỗn hợp và 200m cá nhân hỗn hợp. Nên nhớ, xét theo tiêu chí thắng HCV trong cùng một nội dung ở 4 kỳ Olympic liên tiếp, Phelps vẫn chưa được xem là vĩ đại, anh cần thắng ở nội dung 100m bướm hoặc 200m cá nhân hỗn hợp. Hãy chờ đợi thêm những khoảnh khắc từ Phelps.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục