Khởi công xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2

Sáng 8-10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khởi công xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 quy mô kéo dài đê chắn sóng hiện tại của cảng này thêm 300m, hoàn thiện tổng thể chiều dài đê chắn sóng theo quy hoạch là 750m. Theo đó, đoạn thân đê dự án sử dụng khối rakuna (dạng kết cấu mới của Nhật Bản được phát minh vào năm 2007) nặng 40 tấn, phía dưới là đá hộc 2-4 tấn; phía cảng dùng khối rakuna 16 tấn, phía dưới là đá hộc 0,8-1,6 tấn.

Dự án có tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 680 tỷ đồng, với nguồn vốn Ngân sách nhà nước, bao gồm vốn Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương.

Khởi công xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 ảnh 1 Khởi công Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, dự án được triển khai nhằm hoàn thiện quy mô đê chắn sóng cảng Chân Mây theo Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2063/QĐ-UBND ngày 29-10-2010.

Đồng thời, tăng năng lực khai thác hàng hoá, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây nói riêng, cảng biển Thừa Thiên - Huế nói chung; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021.

Khởi công xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 ảnh 2 Bốc xếp hàng hóa tại cảng Chân Mây

Công trình dự án dự kiến hoàn thành sau 1.250 ngày. Qua đó, góp phần hiện thực hoá mục tiêu, chủ trương của tỉnh Thừa Thiên – Huế và quyết tâm thực hiện Chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 25-5-2009 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung, huy động mọi nguồn lực, từng bước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế - xã hội; sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Tin cùng chuyên mục