(SGGPO).- Thực tế điểm thi đại học của các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập năm nay rất thấp, Hiệp hội các trường đại học- cao đẳng ngoài công lập vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị xem xét về điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Hiệp hội đề xuất hai phương án:
1. Giao cho các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng để kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt.
2. Nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.
Cho đến tối qua, 4-8, trao đổi với SGGP, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học – cao đẳng 2011 cho biết vẫn chưa nhận được văn bản này của Hiệp hội, mới chỉ nghe thông tin qua báo chí. “Đề xuất của Hiệp hội Bộ sẽ lắng nghe nhưng chắc chắn không thể bỏ điểm sàn vì đó là quy định của quy chế tuyển sinh. Hơn nữa, điểm sàn năm nay không những sẽ không thấp hơn mà còn có thể cao hơn năm ngoái vì mặt bằng điểm trung bình, khá rất nhiều”, ông Ga nhận định.
Sau khi có công văn gửi Bộ, sáng nay, 5-8, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học- cao đẳng ngoài công lập đã tổ chức cuộc họp với đại diện các trường về vấn đề này. Đa số ý kiến các trường đều bày tỏ sự lo lắng về mặt bằng điểm thi năm nay của các trường tốp dưới và các trường ngoài công lập, hứa hẹn nguy cơ thiếu nguồn tuyển nếu Bộ vẫn giữ mức điểm sàn như năm ngoái. Lo lắng này các được đẩy lên sau khi hàng loạt các trường công lập địa phương tuyên bố sẽ dành rất nhiều chỉ tiêu NV2 bằng mức điểm sàn của Bộ.
PGS.TSKH Hoàng Trọng Yêm, Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) cho rằng, để xác định đầy đủ nguồn tuyển đầy đủ cho các trường thì phải xác định được số ảo. Nhưng hàng năm số ảo rất lớn, đơn cử như trường Lương Thế Vinh lên tới 35%, vì thế nguy cơ các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu là nhãn tiền. Trong khi đó hiện nay, các trường công lập có hình thức cho phép thí sinh được chuyển từ nguyện vọng này sang nguyện vọng khác nếu thiếu điểm, hoặc chuyển xuống cao đẳng sau đó liên thông lên, vì thế càng khiến các trường ngoài công lập khan hiếm nguồn tuyển vì thí sinh bao giờ cũng thích trường công hơn. Ông Yêm đề nghị Bộ không nên hạn chế thời gian tuyển sinh nguyện vọng 3 mà nên kéo dài thời gian này để các trường ngoài công lập có thể tuyển sinh. “Đại học không nhất thiết phải khai giảng vào tháng 9, mà có thể đến tháng 12”, ông Yêm đề nghị.
Ông Lê Công Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây, các trường lo lắng, các trường không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ bị “vỡ” vì không có nguồn, không còn học sinh để gọi nhập học. “Các trường công lập đều dự định lấy điểm sàn, vậy còn nguyên liệu nào cho các trường ngoài công lập, vậy chúng ta chỉ còn cách giải tán. Muốn đảm bảo cho các trường ngoài công lập sắp tới chiêu sinh được thì phải có mức cho trường công lập và ngoài công lập. Đề nghị bỏ điểm sàn vì không thể dùng sàn đó xét duyệt cho từng trường”, ông Huy nói.
Nhiều ý kiến nói điểm sàn làm khó cho trường dân lập, vô tình làm thui chột chủ trương rất lớn của nhà nước là xã hội hóa.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng không nên bỏ điểm sàn, mà chỉ nên hạ điểm sàn. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng cho rằng, nếu đã thi theo phương thức 3 chung mà hủy điểm sàn thì coi như hủy luôn 3 chung. Vấn đề là điểm sàn ở mức nào để các trường nhận đủ chỉ tiêu. “Hàng năm có 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp phổ thông, vậy mà không chọn được 300.000 học sinh vào đại học sao? Điểm sàn phụ thuộc vào đề thi ra sao chứ không phụ thuộc năm nay cao hơn năm trước. Đề thi năm nay khó vì vậy đề nghị hạ điểm sàn ít nhất 1 điểm so với năm ngoái”, ông Nghị nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giữ mức điểm sàn cao, các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 100 trường ngoài công lập phải dừng hoạt động. Vì vậy, Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng ngoài công lập đề nghị Bộ có phương án điểm sàn riêng cho khối ngoài công lập, thấp hơn từ 0,5-1 điểm so với trường công lập.
PHAN THẢO
>> Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2011, các trường ngoài công lập đề nghị hạ điểm sàn