Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình lên Chính phủ Đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại 5 thành phố lớn với nhiều điểm mới so với một số đề án được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hợp lý, tính khả thi và cả các giải pháp được nêu ra tại đề án. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, so với một số đề án giao thông đã được đưa ra trước đây, đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại 5 TP lớn đã thực tế hơn rất nhiều, ông có thể cho biết cơ quan soạn thảo đã cân nhắc sự điều chỉnh này như thế nào?
>> Ông LÊ ĐỖ MƯỜI: Trước đây, dự thảo Đề án hạn chế phương tiện cá nhân sau khi hoàn thành đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ ngành, các địa phương và người dân. Từ những đóng góp đó, chúng tôi nhận thấy cần có sự điều chỉnh lại cho hợp lý, sát với thực tế. Không phải chỉ mỗi hạn chế phương tiện cá nhân mà trong đó cần có đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là giải pháp phát triển giao thông công cộng. Đề án cũ cũng chưa đề cập đến phương diện vận tải. Trong tương lai, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ là xương sống của trục đô thị nhưng để đạt được mục tiêu cần có một lộ trình thích hợp. Sau khi tính toán cân nhắc, chúng tôi lấy tên đề án mới là “Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại 5 thành phố lớn”, nội dung đề án cũng được điều chỉnh với những giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn, có tính khả thi cao hơn. Đề án mới không dùng từ hạn chế nữa mà dùng từ kiểm soát để cảnh tỉnh, tạo thói quen cho người dân dần dần tiến tới không sử dụng phương tiện cá nhân nữa.
- Mục tiêu đề án đặt ra là VTHKCC tại TPHCM, Hà Nội đến 2020 sẽ đảm nhận 20% - 25% còn phương tiện cá nhân chiếm 75% - 80%, ông có thể nói rõ hơn tính hợp lý của tỷ lệ này?
Chúng tôi đưa ra tỷ lệ VTHKCC sẽ đảm nhận từ 20% - 25% tại Hà Nội, TPHCM là bởi vì tỷ lệ này đã được đưa ra trong Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030; trong Quy hoạch phát triển TPHCM đến 2020 và tầm nhìn sau 2020; trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050… mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nghĩa là nó đã được nghiên cứu công phu, trong những chu kỳ rất dài, căn cứ vào tiềm lực, vào GDP, vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong đề án chúng tôi cũng đưa ra 3 kịch bản: phát triển tự nhiên; theo chiến lược quy hoạch cân đối giữa nguồn lực của các thành phố, sau đó chúng tôi chọn kịch bản thứ 3 vì phù hợp hơn cả. Có một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ VTHKCC đảm nhận 20% - 25% là mục tiêu khó đạt nhưng theo tôi nó hoàn toàn khả thi. Hiện nay VTHKCC của Hà Nội đang giữ từ 7% - 10%, TPHCM từ 7% - 9% nhưng đó mới chỉ là xe buýt và chúng ta chưa cải tạo, chưa chỉnh trang, quy hoạch lại tuyến. Nếu chúng ta cải tạo rốt ráo thì có thể đẩy lên được 13% - 14%, cộng với mở thêm một số tuyến xe buýt mới, kết hợp với 1 số dự án VTHKCC khối lượng lớn đang xây dựng thì tỷ lệ 20% - 25% là trong tầm tay.
- Trong đề án mới đưa ra một số giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân cụ thể như phân luồng, sử dụng phương tiện theo giờ… Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp này bởi nó đã từng được đặt ra nhưng không thể thực hiện hoặc thực hiện không thành công?
Thực ra việc kiểm soát phương tiện theo ngày, giờ chỉ là một giải pháp mang tính cảnh tỉnh ở khu vực nội đô. Nó sẽ như một “vết dầu loang” để người dân nhận ra và quen dần với việc quản lý phương tiện theo giờ. Vấn đề là việc kiểm soát sử dụng phương tiện theo giờ sẽ phải đi kèm với việc tăng cường tần suất xe buýt để hỗ trợ người dân đi lại. Về việc phân luồng, thời gian qua TPHCM đã thực hiện khá tốt, Hà Nội thì chưa tốt nhưng tôi cho rằng nếu làm quyết liệt, có chế tài, có biện pháp, lựa chọn luồng tuyến chuẩn, giải pháp này vẫn có thể phát huy hiệu quả. Chúng tôi cũng nêu trong đề án việc áp dụng chuyển từ phí sang giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng giảm dần từ khu vực lõi ra ngoài nội đô. Đây là giải pháp mà các đô thị hiện đại trên thế giới vẫn đang làm như London, Tokyo, Singapore…
- Có ý kiến cho rằng trong đề án mới, trách nhiệm địa phương được nâng cao hơn rất nhiều, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Mỗi địa phương đều có những nét đặc thù, có điều kiện kinh tế - xã hội riêng và các cơ quan quản lý của địa phương sẽ nắm rõ nhất những vấn đề này. Thực tế là Hà Nội, TPHCM đều đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù để tăng cường công tác quản lý, ví dụ như tăng chế tài xử phạt hành chính vi phạm giao thông và rõ ràng điều đó đã phát huy tác dụng. Tại đề án, Bộ GTVT đề xuất các địa phương tự xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện đề án tại địa phương, hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 1-4-2014; lập dự án thí điểm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại một số khu vực nội thành trên cơ sở tăng cường VTHKCC, hoàn thành kế hoạch và lộ trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng thí điểm trước ngày 1-4-2015; xây dựng đề án áp dụng thí điểm thu phí dịch vụ trông giữ xe cá nhân tại một số khu vực trung tâm theo hướng áp dụng phí giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành, thực hiện thí điểm trước 1-4-2015… Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc Bộ GTVT sẽ cùng các địa phương tìm cách tháo gỡ.
- Hiện dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề hạn chế xe máy với 2 luồng ý kiến, một cho rằng nên sớm cấm hoàn toàn xe máy tại các thành phố lớn còn một cho rằng phải đợi đến khi VTHKCC có thể thay thế được loại phương tiện này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phải khẳng định rằng trên thế giới, một đô thị hiện đại thì không có xe máy và không cấm ô tô. Hà Nội, TPHCM là những đô thị cận hiện đại nên chúng ta phải hướng tới hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, để có một đô thị không có xe máy thì cần có lộ trình và đề án này là khởi điểm của lộ trình đó. Với việc thực hiện đồng thời các biện pháp theo đúng xu hướng trên thế giới là push & pull (kéo và đẩy). Nghĩa là thực hiện đẩy mạnh phát triển VTHKCC đồng thời với việc kéo giảm phương tiện cá nhân thì VTHKCC sẽ từng bước thay thế được xe máy. Tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt đề án, các thành phố lớn sẽ giảm dần lượng xe máy tương ứng với việc tăng dần tỷ lệ đảm nhiệm của VTHKCC. Đến năm 2020, chúng ta có thể kiểm soát được xe máy tại Hà Nội từ vành đai 2 đổ vào, tại TPHCM từ vành đai 1 đổ vào.
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH QUYÊN