Có quá nhiều việc phải làm trong quá trình thay thế thiết bị ngoại nhập. Trong quá trình này, với ngành vi mạch của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã được bắt đầu từ những sản phẩm thương mại cụ thể, cần thiết với đời sống và đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Quá trình phát triển của ngành vi mạch, thay thế thiết bị ngoại nhập đã được khởi đầu với chip SG8V1.
Bước đầu thương mại
Đến nay, Chương trình vi mạch TPHCM đã có những sản phẩm tiêu biểu như chip vi xử lý 8 bit SG801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105, chip sinh học - linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (Quartz Crystal Microbalance - QCM)... Trong đó chip SG8V1 với tiềm năng ứng dụng trên 30 dòng sản phẩm trên nhiều lĩnh vực, điều này được khẳng định tại “Chương trình quảng bá và trao tặng chip thương mại SG8V1- KITDE SG8V1 cho các trường đại học” vừa diễn ra tại TPHCM. Với chương trình này, ngoài việc trao tặng chip SG8V1 để các trường phát triển ứng dụng thì con chip này đã được khẳng định giá trị thương mại.
Thực tế SG8V1 đã được ứng dụng vào hộp đen xe máy, khóa điện tử giám sát quản lý container, thiết bị giám sát hành trình ô tô… Song vẫn còn hàng trăm thiết bị khác cần “bộ óc” nên tiềm năng của SG8V1 vẫn còn rất lớn. Mới nhất, Ban chỉ đạo Chương trình phát triển vi mạch TPHCM cũng như Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa chip SG8V1 vào điện kế điện tử hay dùng SG8V1 thiết kế thiết bị thu nhận chỉ số điện… tại TPHCM.
Những sản phẩm đã được ứng dụng chip SG8V1.
Hay nói cách khác, dù không ít thiết bị điện tử trong nước đã được nội địa hóa, nhưng con chip xử lý bên trong các thiết bị trên đều của các hãng công nghệ nước ngoài… thì nay chip Made in Vietnam SG8V1 do ICDREC thiết kế, phát triển đã sẵn sàng thay thế “bộ óc” ngoại nhập.
Khi nói đến thương mại, bài toán giá luôn được đặt ra. Bình quân giá thị trường của dòng chip 8 bit hiện nay khoảng 75.000 đồng/chip cho lô hàng trên 5.000 con chip, nhưng với SG8V1 chỉ tầm 40.000 đồng/chip cho lô hàng trên 1.000 con. Tính chung cho thị trường nhiều loại thiết bị dân dụng sử dụng vi xử lý 8 bit, tầm 1 triệu con chip/năm. Bài toán về giá khá rõ ràng: khi mua 1 triệu con chip ngoại với giá 75.000 đồng/con tốn khoảng 75 tỷ đồng. Trong khi đó so với SG8V1 chỉ 40.000 đồng/chip thì tốn 40 tỷ đồng, tức giảm được 35 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM cho rằng, việc phát triển công nghiệp vi mạch, trong đó có dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, hiệu quả sẽ tăng gấp đôi nếu thị trường ủng hộ. Bên cạnh đó, chương trình dự kiến góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm điện tử Việt Nam với mức lợi nhuận từ 20% - 30%, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Từng bước tiến lên
Với SG8V1, xuất phát từ sản phẩm đặt hàng của Sở KH-CN TPHCM từ năm 2008, ICDREC đã hoàn thành sản phẩm vào những ngày cuối cùng của năm 2013. SG8V1 hiện nay cho phép tăng tốc độ xử lý lên nhiều lần và dung lượng bộ nhớ chương trình (nơi lưu giữ mã lệnh) cũng tăng so với yêu cầu thiết kế ban đầu của dự án Sở KH-CN đặt ra trước đây.
Một trong những mục tiêu của ICDREC là phục vụ cho thị trường trong nước: công nghiệp, đào tạo, nghiên cứu khoa học; thị trường sản phẩm điện tử chuyên dụng… Với số lượng 150.000 chip thương mại SG8V1, ICDREC dự định, phân khúc thị trường sẽ dành 10% tổng chip SG8V1 và Kit SG8V1 tặng cho các trường ĐH, tổ chức các lớp huấn luyện, hướng dẫn sử dụng chip dành cho cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ĐH, tài trợ cho các cuộc thi Robocon, cuộc thi thiết kế trên chip SG8V1; khoảng 20% khách hàng sẽ là các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu và 70% còn lại sẽ dùng để cung cấp cho khách hàng các khối công nghiệp…
Ở đây cũng cần thấy, để các sản phẩm vi mạch thương mại hóa mang lại kết quả thì rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban chỉ đạo Chương trình vi mạch TPHCM nói riêng và nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác, nhất là thái độ cầu thị, tin tưởng và sẵn sàng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi những rào cản không phải là ít. Đầu tiên là sự tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm Việt và thứ hai là đã “quen” dùng thiết bị ngoại nhập… nên rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm Việt, ở đây là SG8V1.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM, khẳng định: “Sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam là SG8V1 chính thức thương mại đã thể hiện được trí tuệ Việt trong sản phẩm. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Với sản phẩm Việt Nam chất lượng cao đồng thời mức giá thấp, sẽ góp phần vào mục tiêu làm chủ công nghệ, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM cũng như đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”… Vì vậy, không lẽ gì chúng ta tự đánh mất cơ hội khẳng định mình trước “thói quen” dùng thiết bị ngoại nhập như bấy lâu nay?
|
Bá Tân