Năm nào cũng vậy, cứ tết đến là có hàng ngàn bà con Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới trở về Việt Nam để cùng đón một cái tết sum vầy. Họ như những người con đi xa trở về với lòng mẹ. Đảng, Nhà nước hàng năm đều tổ chức chương tình “Xuân quê hương” để đón bà con về ăn tết. Năm nay, anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, một Việt kiều Canada trẻ tuổi là một trong những số đó. Anh tự gọi đây là “mùa xuân đầu tiên đích thực” của mình bởi sự trở về không chỉ là thăm thú. Anh vừa quyết định từ bỏ công việc làm phụ trách toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn đa quốc gia về ngành điện lớn thứ 3 thế giới Schneider Electric để về Việt Nam làm việc. Anh muốn tận dụng sức trẻ, kinh nghiệm làm việc về khoa học công nghệ tại Pháp, Hồng Công trước đó để khai thác “sự màu mỡ về tiềm năng, cơ hội phát triển ở Việt Nam”. Anh Hòa đang làm giám đốc chiến lược cho Công ty FPT và tham gia dự án về năng suất quốc gia của Bộ KH-CN.
Không chỉ anh Hòa, hàng triệu kiều bào đang một lòng hướng về Tổ quốc, quê hương, mong muốn được đóng góp sức mình cho sự phồn thịnh của đất nước. Không ai không xúc động với tấm chân tình của GS Ngô Bảo Châu. Ông đã trải qua bao nhiêu gian truân để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng cũng chính ông luôn tự hào với quốc tịch Việt Nam, luôn hướng về quê cha đất mẹ, và sẵn sàng dành toàn bộ quỹ thời gian ít ỏi của mình để nâng đỡ các tài năng trẻ Việt Nam, thay vì nghỉ ngơi riêng cho bản thân mình.
Chính sách đối với kiều bào luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Vị thế dân tộc Việt Nam càng được củng cố và phát triển thì niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam càng được khơi dậy. Càng tự hào thì người Việt Nam càng mong muốn trở về với cội nguồn để xây dựng đất nước, dân tộc mình. Năm 2010 lượng kiều hối gửi về nước đạt mức kỷ lục: trên 8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (năm 2008: 7,2 tỷ USD, 2009: 6,3 tỷ USD). Theo TS Nguyễn Quang A, nếu so với GDP, năm 2010 GDP đạt mức 104,6 tỷ USD, tăng 6,78% so với năm 2009, lượng kiều hối bằng khoảng 7,7% của GDP. Đó là chưa kể, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hồi năm 2011 của Việt Nam sẽ tăng thêm 6,2%. Hơn nữa, khi trong nước xảy ra bất cứ thiên tai nào, kiều bào lại rưng rưng hướng về, sẻ chia (năm 2010, kiều bào ủng hộ 16 tỷ đồng từ thiện).
Đấy là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy bà con người Việt ở nước ngoài ngày càng muốn đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Lượng kiều hối được các gia đình sử dụng vào kinh doanh, đầu tư, sinh hoạt là một nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển của đất nước và chắc chắn có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế hàng năm. Không chỉ là kiều hối, chúng ta còn có kho trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài chưa được khơi dậy tối đa. Hơn 4.000 trí thức người Việt ở các nước, với rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học lớn, giáo sư, tiến sĩ đang làm việc ở những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của các nước phát triển. Đây là sức mạnh cộng đồng của chúng ta bên ngoài, và sức mạnh này còn tiềm ẩn rất lớn.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác kiều bào đã thực hiện được 6 năm. Chúng ta đã đánh giá được khả năng của kiều bào hướng về quê hương đất nước và đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Với yêu cầu mới của phát triển kinh tế đất nước, làm sao phát huy được sức mạnh của 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trở thành nguồn lực tổng hợp với sức mạnh trong nước tiếp tục là nhiệm vụ đặt ra hiện nay, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ XI. Cần phải để bà con thêm tin tưởng vào tính ổn định và phát triển của đất nước, ngày càng trở về nhiều hơn, như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhắn nhủ với kiều bào trong dịp tết năm nay: “...Về quê hương đã thấy ấm lòng rồi. Quê hương, người mẹ hiền luôn luôn dang rộng cánh tay để chào đón người con, những bạn bè, anh em từ khắp mọi miền trên thế giới về quê, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, về nơi thờ phụng ông bà, tổ tiên...”.
Phan Thảo