Thực trạng khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2011 và năm 2012, đặc biệt về nguồn vốn trong hoàn cảnh lãi suất vốn vay cao, kéo dài khiến các doanh nghiệp (DN) kiệt sức. Thời gian qua, đã có hàng ngàn DN ngưng hoạt động, phá sản hoặc tạm chấm dứt hoạt động gây ra những hậu quả nhất định trong việc duy trì, phát triển tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống xã hội.
Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất. Chương trình kích cầu thông qua đầu tư (theo Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28-5-2011 của UBND TPHCM) hỗ trợ DN tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, giảm bớt chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, theo Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM, từ khi TP triển khai chương trình kích cầu, công ty đã hỗ trợ vốn vay, tư vấn cho hơn 170 dự án.
Cụ thể, TP hỗ trợ lãi vay cho TP thuộc các lĩnh vực về đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất sản phẩm điện tử, robot công nghiệp, thiết bị thông tin, viễn thông và các loại hệ thống thiết bị tự động hóa, sản xuất các loại máy móc, thiết bị thế hệ mới, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, xây dựng nhà ở cho công nhân, hệ thống xử lý nước thải… Tùy vào từng dự án sẽ có mức hỗ trợ vốn 50% - 100% lãi vay trong 5 - 7 năm và mức vốn vay được hỗ trợ tối đa 100 tỷ đồng/dự án.
Qua việc triển khai, thẩm định các dự án được vay vốn, hiện nay có hơn 60% DN nhỏ và vừa sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất, chỉ có 20% số DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Vấn đề hiện nay là vốn cho DN. Vốn trên thị trường rất khó khăn do lãi suất cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2012 nền kinh tế còn nhiều biến động, số DN này sẽ tăng lên, tình trạng rất xấu đối với DN trong năm 2012 do sự thắt chặt tiền tệ. Đối với ngành bất động sản, mỗi tháng một DN mất đi 50 - 60 tỷ đồng chi phí điều hành. Trong quý 2 và 3 này DN có thể phá sản hàng loạt.
Mặc dù TP đã nỗ lực, kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ vốn, tuy nhiên, đa số DN hiện nay chưa nắm được thông tin về chương trình vay vốn ưu đãi này, cần thông tin rộng rãi hơn nữa đến các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hội ngành nghề trên địa bàn. Các DN không lập được hồ sơ dự án theo đúng quy định, tình trạng hồ sơ dự án không rõ ràng, dẫn đến khó tiếp cận nguồn vốn. TP nên xem xét và quy định rõ ràng hơn nữa về đối tượng được vay vốn ưu đãi, đồng thời có mức hỗ trợ hợp lý hơn. Giải quyết nhanh quy trình và thời hạn xét duyệt để kịp tiến độ dự án của DN.
Theo Sở KH-ĐT TP, quy chế, quy trình phối hợp giữa các sở, ngành xét duyệt hồ sơ dự án vay vốn chương trình kích cầu đã dần hoàn thiện, đang trình UBND TP phê duyệt, dự kiến đến tháng 6-2012 sẽ được triển khai. Theo đó, trình tự xét duyệt rõ ràng rút ngắn thủ tục, thời gian, thông tin rộng rãi, tạo điều kiện cho DN trên địa bàn nhanh chóng được hưởng nguồn vốn ưu đãi.
Hy vọng những biện pháp tích cực từ TP và sự quan tâm tháo gỡ khó khăn của các cơ quan hữu quan, của các DN, các giải pháp để DN nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn sẽ khơi dậy sức sống mới cho các DN bước vào giai đoạn củng cố, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sự ổn định kinh tế, ổn định đời sống người lao động.
Thăng Long