(SGGPO).- Chiều 21-3, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.
Dự án nhằm góp phần bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng thời góp phần hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng miền Trung; cải thiện cảnh quan môi trường khu vực di tích.
Tòa Minh Lâu, lăng Minh Mạng sau khi được trùng tu bảo tồn
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.274 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 8 năm (2016-2024).
Đây được xem là đại dự án trùng tu di tích Huế với các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương của Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa (10 dự án), gồm: Bảo tồn, tôn tạo, tu bổ tổng thể và phục hồi di tích Điện Kiến Trung, di tích Ngọ Môn (giai đoạn 2), di tích Triệu Miếu (giai đoạn 2), khu di tích lăng Đồng Khánh (phần còn lại); phục hồi, tu bổ và tôn tạo di tích vườn Cơ Hạ, di tích hồ Tịnh Tâm; phục nguyên di tích Điện Cần Chánh; tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Gia Long (phần còn lại), di tích lăng vua Thiệu Trị (giai đoạn 2); tu bổ, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan, trồng bổ sung và trồng mới cây xanh tại các khu di tích và lăng vua nhằm tạo lập vành đai xanh cho các khu vực di tích nằm gần các khu vực dân cư, đường quốc lộ, tỉnh lộ để bảo vệ di tích khỏi các tác động của bên ngoài, góp phần cải thiện chất lượng môi trường khu vực di tích...
Song song là các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (17 dự án) gồm: Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Điện Thọ Ninh (giai đoạn 2); bảo tồn, tu bổ hệ thống tường và cổng Tử Cấm Thành; bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích đàn Xã Tắc; bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích Khâm Thiên Giám; bảo tồn, trùng tu di tích Nghinh Lương Đình; bảo tồn, tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích khu Lục Bộ; bảo tồn, tu bổ và phục hồi miếu Long Châu; bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao; bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hổ Quyền; tu bổ, chống xuống cấp di tích Quốc Tử Giám; bảo quản, tu bổ, phục hồi lăng Minh Mạng (hạng mục: khu vực Tẩm Điện và sân Bái Đình); bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Minh Mạng (phần còn lại); bảo tồn, trùng tu di tích Bi Đình - lăng Tự Đức; bảo tồn, tu bổ, phục hồi lăng Dục Đức; xây dựng mới một số nhà vệ sinh công cộng tại các điểm di tích (giai đoạn 3) và xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực lăng Khải Định và lăng Minh Mạng.
Lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn Huế đã được trùng tu sắp hoàn thành để chào đón Festival Huế 2016
Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành có liên quan, bảo đảm chất lượng, đúng đối tượng hỗ trợ đầu tư và tiến độ thực hiện; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án bảo đảm mục tiêu đầu tư.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, từ khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993, Di sản Huế đã có nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế để diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần được hồi phục.
Đặc biệt, từ năm 1996 đến nay, với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng, đã có gần 100 công trình di tích cố đô Huế được phục hồi, trùng tu tôn tạo; hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp theo đúng các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, đánh giá cao hiệu quả cũng như những nỗ lực và những cam kết của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.
Bà Irina Bokova khẳng định, thời gian tới UNESCO sẽ tiếp tục giúp đỡ, hợp tác và hỗ trợ Thừa Thiên - Huế trong việc giữ gìn và bảo vệ các di sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển giao kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển bền vững. Qua đó, thu hút hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, địa phương và người dân vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
VĂN THẮNG