Khơi gợi cảm hứng làm việc, đóng góp cho đất nước

- PV: Thưa ông, tại sao ông lại có đề xuất như vậy?
Khơi gợi cảm hứng làm việc, đóng góp cho đất nước

Nguồn lực trong dân bao gồm cả nguồn lực tri thức và tài chính, rất lớn. Đội ngũ cán bộ đa phần đều đã được đào tạo bài bản. Do vậy, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhiệm kỳ này Đảng bộ TPHCM nên có cơ chế khơi gợi hơn nữa cảm hứng làm việc, đóng góp cho thành phố, cho đất nước, của toàn thể nhân dân… 

- PV: Thưa ông, tại sao ông lại có đề xuất như vậy?

- Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA: Cảm hứng được làm việc, được đóng góp cho đất nước, giúp đất nước phát triển mạnh giàu như nhiều nước phát triển trên thế giới, có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy người ta làm việc. Đây là kinh nghiệm đã được kiểm chứng ở nhiều nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc… Và ở Việt Nam những năm kháng chiến, đấu tranh thống nhất đất nước, cảm hứng được đóng góp một phần sức lực của mình cho đất nước của các thế hệ thanh niên thời đó, đã đóng góp một phần quan trọng trong việc thống nhất đất nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 40 năm qua, kể từ 1975, dù còn nhiều khó khăn nhưng nguồn lực trong dân, bao gồm cả nguồn lực tri thức và tài chính đã được hình thành. Đội ngũ cán bộ đa phần đều đã được đào tạo bài bản, thậm chí đã có không ít người lĩnh hội được các kiến thức tiên tiến của thế giới. Vấn đề còn lại: tập hợp được sức mạnh này trong việc xây dựng đất nước.

Nhân viên Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Thời gian qua, chúng ta cũng đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, thực hiện nhiều chính sách xã hội hóa, thu hút các nguồn lực của xã hội vào đầu tư, xây dựng đất nước nhưng tôi cho rằng, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn nữa, phải tạo một cảm hứng được làm việc, được đóng góp cho đất nước, giúp đất nước phát triển, đặc biệt đối với các công chức, các trí thức, các doanh nhân và tầng lớp thanh niên. Phải làm cho mọi người thấy tự hào khi được góp sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước.

- Phải bắt đầu như thế nào để có được cảm hứng như ông nói?

- Đất nước bắt đầu đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường từ những năm đầu 1990 của thế kỷ trước. Cho đến nay có thể nói, đã có rất nhiều kinh nghiệm liên quan đến việc thực hiện cơ chế này được rút ra trong quá trình triển khai áp dụng tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Các cơ quan chuyên môn đã hiểu việc gì Nhà nước phải làm và việc gì có thể giao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước gánh vác trọng trách gì, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ ra sao… Ví dụ như việc xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước muốn doanh nghiệp tham gia đầu tư vào đây, phải có cơ chế thu hút phù hợp. Hay như trong đồ án xây dựng chung TPHCM được phê duyệt năm 1998, phát triển vận tải hành khách công cộng vẫn chưa được xác định rõ, thì nay các cơ quan nhà nước đã hiểu phải tập trung cho phát triển vận tải hành khách công cộng nếu muốn chống ùn tắc giao thông một cách căn cơ. Và trong việc này, Nhà nước sẽ là người ban hành chủ trương, còn doanh nghiệp sẽ hưởng ứng… Phải bắt đầu khơi gợi cảm hứng làm việc cho mọi người dân, mọi cơ quan, doanh nghiệp từ việc đặt họ vào đúng vị trí của mình. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước vẫn có xu hướng ôm đồm công việc của doanh nghiệp, kết quả là chức năng quản lý của Nhà nước bị ảnh hưởng, mà hoạt động của doanh nghiệp cũng không chủ động được. Đây cũng chính là cải cách thể chế mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập tới. Cùng với việc đặt các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vào đúng vị trí của mình, thì việc cải cách thủ tục hành chính cần được triển khai quyết liệt, đặc biệt trong các khâu liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Quy trình xử lý công việc đã được nhiều địa phương, nhiều quận, huyện, sở, ngành ban hành nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, quy trình này chưa được thực hiện nghiêm mà những công chức liên quan lại chưa bị xử lý nghiêm. Quan trọng hơn nữa, bản thân quy trình này cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp. Hiện nay ở nhiều nơi còn có tình trạng thay đổi chính sách liên tục, làm cho doanh nghiệp không xoay trở kịp. Muốn điều chỉnh bất cập này phải bắt đầu tư khâu tuyển chọn cán bộ công chức. Cán bộ công chức phải hiểu chức trách của mình là hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm việc, làm giàu cho chính mình, cho đất nước, và tận tâm làm hết chức trách đó.

- Làm thế nào để kêu gọi được sự tận tâm của cán bộ công chức khi mà lương của họ vẫn thấp?

- Đây là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta vẫn đang trăn trở. Tôi cho rằng, dù khó khăn như thế nào đi nữa thì việc đảm bảo thu nhập đủ sống cho cán bộ công chức là việc quan trọng, có vai trò quyết định đến sự đóng góp và cống hiến của họ đối với đất nước. Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh đến vai trò và sự tận tâm của cán bộ công chức, bởi điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc kêu gọi sự đóng góp của các thành phần kinh tế khác vào phát triển đất nước. Người dân, doanh nghiệp muốn làm giàu cho mình, cho đất nước mà bị cán bộ công chức làm khó, thì khó mà thực hiện được ước mơ của mình. Cán bộ Nhà nước phải là đối tượng đầu tiên được truyền cảm hứng đóng góp trong chức trách của mình nhằm xây dựng đất nước. Bên cạnh vấn đề tiền lương, thì một quy chế tuyển chọn cán bộ công chức công bằng, minh bạch là rất quan trọng. Khơi gợi được nguồn lực của tất cả các thành phần trong xã hội để xây dựng đất nước, là điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

- Cảm ơn ông!

NGUYỄN KHOA thực hiện

Tin cùng chuyên mục