Thời gian gần đây, vấn đề xã hội học tập (XHHT) được nhắc đến khá nhiều và được xem là một trong những mục tiêu quan trọng của xã hội ta hiện nay. Nội hàm của XHHT là phát động để toàn xã hội tạo ra được phong trào thi đua học tập một cách tích cực, lành mạnh; bản thân mỗi thành viên đều nỗ lực học tập trong điều kiện của mình (học ở trường lớp, qua các phương tiện nghe nhìn, tự học…); mỗi người đều góp sức động viên bằng tinh thần và vật chất cho sự học của con em và những người khác. Đến nay, cả 3 yêu cầu nêu trên đều mới được thực hiện có mức độ, chưa thể nói đã có một XHHT ở nước ta hiện nay.
Chẳng hạn, việc đóng góp vào các quỹ khuyến học, các loại học bổng, tuy khá tích cực nhưng việc dấy lên một phong trào thực học thì chưa; có nhiều trung tâm học tập cộng đồng nhưng việc thu hút người dân đến học một cách thực chất vẫn còn hạn chế; có một số người đến lớp dự học, nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo ra động lực học tập “để biết”, “để làm”, “để chung sống” và “để khẳng định mình” (“để tồn tại”) như Tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO.
Do đó, để xây dựng XHHT, cần khơi gợi tinh thần hiếu học ở từng cá nhân. Trước hết đó là ý nghĩa của việc học; học để có kiến thức phục vụ cho đời sống của bản thân và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Học không phải để chuẩn hóa bằng cấp, để khoe mẽ, mà phải thực học và thực nghiệp, tức là phải học thực chất và đem kiến thức học được ứng dụng một cách có ích vào thực tế. Vì vậy, cần mạnh mẽ phê phán những cá nhân không thực học (học giả bằng thật, học giả bằng giả, để chạy chức, lên lương…), đồng thời khuyến khích, động viên những người vượt qua nghịch cảnh để thực học và đem sở học đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ người học cần được quan tâm có chiều sâu hơn, thực chất hơn. Các hoạt động này hiện là bề nổi, là điểm nhấn của XHHT tại TPHCM, đã có tác dụng rất tích cực, nhưng cần nâng cao hơn nữa. Chẳng hạn, toàn TP có hơn 634.000 hội viên hội khuyến học, nếu mỗi người chỉ tiết kiệm 1.000 đồng/ngày, hàng năm quỹ khuyến học thu đến hơn 231 tỷ đồng, có thể giúp đỡ một cách cụ thể hơn, thiết thực hơn cho rất nhiều học sinh, sinh viên nghèo (số tiền đó gấp 2,5 lần tổng số tiền toàn TP vận động được trên 93 tỷ đồng cho quỹ khuyến học trong năm 2012). Hay việc lâu lâu một học sinh nghèo được tặng học bổng vài trăm ngàn đồng, tuy có ý nghĩa động viên thật sự nhưng chưa đủ giúp học sinh đó có thêm điều kiện để tiếp tục học tập. Vì vậy sẽ có ý nghĩa hơn nếu sự giúp đỡ đó mang tính thường xuyên hơn, lớn hơn.
Ngoài ra, như nhiều lĩnh vực khác, việc xây dựng XHHT cần sự nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên… Chẳng hạn, cán bộ, đảng viên là hội viên hội khuyến học nên đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm gây quỹ và vận động người khác tham gia hội khuyến học; những người có điều kiện có thể nhận bảo trợ (giúp đỡ thường xuyên) cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; gia đình khi có người thân qua đời có thể dùng tiền phúng viếng tặng cho quỹ khuyến học hoặc làm học bổng tặng cho những trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, đảng viên phải tăng cường tự học, học thật và làm thật; các cơ quan đưa tiêu chí học tập vào đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Trúc Giang (quận 3, TPHCM)