Khởi nghiệp từ cây sen

Từ thế mạnh vùng sen Đồng Tháp, sau nhiều lần trăn trở tại sao mình không tạo ra những sản phẩm từ hạt sen mang giá trị dinh dưỡng cao giúp tăng thu nhập cho bản thân, đồng thời cũng giúp được nông dân có được đầu ra cho nguyên liệu, chị Nguyễn Thúy Kiều đã khởi nghiệp theo hướng đi này.
Chế biến các sản phẩm từ sen ở Công ty TNHH MTV Ba Tre (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)
Chế biến các sản phẩm từ sen ở Công ty TNHH MTV Ba Tre (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Chúng tôi tìm đến Công ty TNHH MTV Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) do chị Nguyễn Thúy Kiều làm Giám đốc. Tại đây, không khí lao động khẩn trương để kịp giao hàng cho đối tác. Chị Kiều cho biết, hiện nay công ty sản xuất 10 sản phẩm các loại từ sen, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là ngũ cốc hạt sen, sen trà, bột sữa sen, trà lá sen và trà thảo mộc. Bình quân mỗi tháng công ty cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn sản phẩm các loại từ sen, với giá dao động khoảng 85.000 – 150.000 đồng/sản phẩm (trọng lượng 0,5 kg). 

Khởi nghiệp từ cây sen ảnh 1 Chị Kiều khởi nghiệp thành công từ sản phẩm sen 
Để thành công như hôm nay là cả quá trình phấn đấu. Chị Kiều kể: “Năm 2016 tôi bắt đầu nấu sữa sen để bán. Thời gian đầu, gặp không ít thất bại do chưa có kinh nghiệm, sữa sen không ngọt, không đậm vị… tôi vừa thử nghiệm, vừa học hỏi, vừa tiếp nhận góp ý của khách hàng, của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp, các ban ngành trong huyện và góp ý của người thân, dần hoàn thiện công thức nấu sữa sen của riêng mình. Bước tiếp theo là việc quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến. Đây cũng là quãng thời gian vô cùng thử thách đối với bản thân khi cho ra sản phẩm mới, khách hàng còn dè dặt khi đón nhận…”. 

May mắn lúc bấy giờ là chị được Hội LHPN các cấp cùng đồng hành giúp đỡ, hỗ trợ kiến thức, động viên. Năm 2017, Hội LHPN hướng dẫn đăng ký giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, được Hội phụ nữ mời tham gia các lớp tập huấn dành cho phụ nữ khởi nghiệp, tập huấn bao bì sản phẩm, tọa đàm, hội thảo, tham gia xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm... Từ đó, giúp chị học hỏi thêm nhiều kiến thức áp dụng vào sản xuất sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. 

Khởi nghiệp từ cây sen ảnh 2 Thu hoạch sen ở Đồng Tháp
“Năm 2019, khi gia nhập Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Tháp, nhờ đó, sản phẩm được tiếp cận rộng rãi hơn thông qua các chương trình kết nối quảng bá cùng hội. Ngoài ra, còn được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các sở ngành chức năng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mua máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại… nhằm giúp các sản phẩm chế biến đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, chị Kiều cho biết.
Trong 2 năm 2020-2021 ảnh hưởng dịch Covid-19, Công ty TNHH MTV Ba Tre chủ động sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt. Ngoài các sản phẩm từ sen, còn kết hợp sản xuất thêm các sản phẩm thiết yếu cung cấp cho người tiêu dùng như: khô, mắm, dưa mắm các loại… Tham gia những lớp tập huấn của các cấp Hội đã giúp công ty tăng cường kênh bán hàng online, livestream và sàn thương mại điện tử shopee để tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm 2022, công ty tăng cường sản xuất, từng bước khôi phục lại thị trường tiêu thụ. Dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ sen vào những tháng cuối năm sẽ tăng, vì vậy công ty chủ động mở rộng liên kết với các nông dân trồng sen nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến…  

Khi các sản phẩm có được thị trường ổn định, chị Kiều tiếp tục cho ra những sản phẩm mới đa dạng từ hạt sen như bột sữa hạt sen, sen trà, cơm cháy hạt sen, ngũ cốc hạt sen… Ngoài vị ngon để khách hàng thưởng thức, sản phẩm còn bổ trợ giúp an thần, ngủ ngon, hạ mỡ máu, cân bằng huyết áp… Các sản phẩm được bình chọn công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019 là bột sữa sen; năm 2020 gồm ngũ cốc, cơm cháy thập cẩm; năm 2021 có trà thảo mộc, sen trà. Sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh gồm bột sữa sen, sen trà, ngũ cốc... Việc thành công từ sản phẩm sen, chị Kiều vừa góp phần tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng. 

Ngoài công việc kinh doanh, người phụ nữ năng động này còn được các chị em khởi nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp huyện Tam Nông. “Với tiêu chí chất lượng tạo nên thương hiệu, công ty không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm để mở rộng phát triển thị trường đưa thương hiệu vươn xa hơn không những trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế”, chị Kiều quyết tâm. 

Nhiều dự án vào chung kết thi khởi nghiệp Đồng Tháp 2022

Những ngày cuối tháng 11-2022, Sở KH-CN tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Đồng Tháp và Sở KH-ĐT tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2022”, với 9 dự án và 3 ý tưởng xuất sắc vào vòng chung kết. Kết quả, về dự án, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho dự án “Phát triển sản phẩm lạp xưởng cá lóc” của chị Dương Thị Hồng Chuyên (huyện Tân Hồng); giải nhì thuộc về thí sinh Huỳnh Ngọc Như (TP Cao Lãnh) với dự án “Lụa sen Đồng Tháp”. Về ý tưởng, giải nhất thuộc về “Xe điện dành cho người khuyết tật tay” của thí sinh Vương Mai Phương (huyện Lấp Vò)…

Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay nhận được khá nhiều bài thi, trong đó đã chọn ra được 12 dự án và ý tưởng vào vòng chung kết. Điều đáng quan tâm trong cuộc thi năm nay là nhiều dự án chú ý tới sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sạch trong nước cũng như xuất khẩu…

Trong khi đó, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp cũng vừa tổng kết, trao giải cho cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2022”. Theo đó, có 23 dự án xuất sắc được ban tổ chức chọn vào vòng chung kết. Kết quả, dự án về “Mô hình trồng các loại nấm khép kín” của chị Huỳnh Thị Thì Nhớ (TP Cao Lãnh) đã giành giải nhất. Ban tổ chức còn trao 2 giải nhì và 5 giải ba… 

Đồng Tháp đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp

Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, phát triển ít nhất 3.000 doanh nghiệp; đến năm 2025 có ít nhất 5.300 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động. Bình quân trong giai đoạn 2021 - 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp từ 26 - 27% vào GRDP của tỉnh; đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến năm 2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP ít nhất 35%; giải quyết việc làm cho ít nhất 36.000 lao động; có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao.

Đến năm 2025, tỉnh có ít nhất 295 sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao và có ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1.000 lượt người/năm về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp. Hình thành Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp; đến năm 2025, hỗ trợ phát triển ít nhất 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm "Rất tốt" trên bảng xếp hạng của cả nước; Chỉ số cải cách hành chính thuộc "Nhóm B" cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm "Cao nhất" cả nước… 

Tin cùng chuyên mục