Khơi nguồn cho sản xuất, tiêu dùng

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) phải co hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động không chỉ do lãi suất quá cao mà còn do sức mua của thị trường quá thấp, hàng hóa làm ra không bán được. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, giải được bài toán hàng tồn kho sẽ là chìa khóa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc khác bởi lẽ chỉ khi hàng hóa sản xuất ra được lưu thông, quay vòng hàng, vốn đều đặn thì DN mới có thể phát huy hết công suất, có lợi nhuận để bù đắp các chi phí đầu vào, trong đó có chi phí lãi suất.

Việc hàng hóa tồn kho là hệ quả của nền kinh tế khó khăn, lạm phát mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, các DN thiếu vốn và không tiếp cận được vốn, hoặc có nhưng lãi suất quá cao, hàng tồn kho nhiều, doanh thu không thể bù đắp chi phí.
 
Cho đến nay, nguyên liệu chính của ngành vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch đều ế ẩm. Sức tiêu thụ giảm, lượng tồn kho đến mức báo động, nên nhiều DN sản xuất cầm chừng hoặc giảm công suất của các nhà máy. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng tồn kho của thép tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước do các công trình xây dựng trong nước chậm tiến độ hoặc bị đình hoãn...

Ngành xi măng cũng có lượng tồn kho nhiều và có vẻ bất lợi hơn cả thép khi đây là mặt hàng không thể để lâu. Lượng xi măng sản xuất của toàn ngành trong quý 1-2012 là 12,1 triệu tấn, nhưng có đến gần 2 triệu tấn sản phẩm tồn kho. Sức mua thấp đã khiến tình hình tồn kho của nhiều ngành hàng ở mức cao.

Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1-4, chỉ số tồn kho đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao có thể kể đến như sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng gần 102%; chế biến và bảo quản rau quả tăng gần 95%; các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng trên 90%; phân bón và hợp chất ni tơ tăng trên 63%; xi măng tăng trên 44%; mô tô xe máy tăng gần 39%; xe có động cơ tăng gần 32%; chế biến và bảo quản thủy sản, sản phẩm từ thủy sản tăng trên 35%.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, với một nền sản xuất bình thường, chỉ số tồn kho tăng khoảng 12% - 15% so với cùng kỳ là hợp lý, nhưng trong thời điểm này, chỉ số tồn kho tăng cao tới gần 35% là điều bất thường đối với nền kinh tế. Nhiều DN cũng quyết định không tăng giá thành phẩm vì hiện nay lượng hàng tồn kho là khá cao do sức mua không tăng. Các siêu thị phối hợp với nhà cung cấp đang ráo riết tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích cầu. Cách làm này cũng đã buộc các nhà phân phối chấp nhận kinh doanh trong điều kiện nhiều mặt hàng tiến về mức lãi = 0, thậm chí là âm.
 
Sức mua ở hàng loạt mặt hàng tiêu dùng như may mặc, đồ gỗ… trong tháng 4 vẫn ở mức thấp khiến chỉ số tồn kho tiếp tục cao. Để không bị giam vốn ở hàng tồn, các DN đã phải liên tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Hiện tình trạng tồn kho chủ yếu tập trung ở DN sản xuất phục vụ thị trường nội địa.

Hàng tồn kho nhiều còn có nguyên nhân chủ quan từ phía DN, đó là sức cạnh tranh của hàng hóa còn yếu do chất lượng kém hơn so với hàng ngoại nhập trong khi giá lại cao hơn vì DN bỏ ra chi phí sản xuất cao. Trong đó, việc đội giá thành của sản phẩm bắt nguồn từ việc lãi suất cao cũng như các chi phí trung gian quá lớn…
 
Đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN trong việc giảm bớt gánh nặng từ hàng tồn kho, phải giúp DN giải quyết các khó khăn chủ yếu, là giảm lãi suất, giảm các nghĩa vụ tài chính như thuế, chi phí trung gian… và giảm bớt các thủ tục hành chính. Còn về phía các DN, cần phải chủ động tăng cường các biện pháp tiêu thụ sản phẩm, giảm giá các mặt hàng với mức giá có thể thu hồi vốn để tái sản xuất, đồng thời cố gắng tìm thị trường mới có khả năng tiêu thụ hàng hóa, nhất là các vùng có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu.
 
Trước thực trạng trên, Nhà nước cũng cần có những chính sách như từng bước giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời gian trả nợ, hoãn nộp thuế VAT… Có như thế, DN mới có thể gượng sức tái sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cả về chất lượng lẫn giá cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Khơi thông việc lưu thông hàng hóa, khơi thông sức tiêu thụ và tạo dòng chảy cho nguồn vốn quay vòng, là yếu tố sống còn để DN tồn tại và phát triển.


Thăng Long

Tin cùng chuyên mục