Khôi phục niềm tin vào y đức

Hàng loạt vấn đề sai phạm nhức nhối liên quan đến ngành y tế thời gian qua đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân, đồng thời tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng xuống cấp về y đức trong xã hội hiện nay.

Nhiều vụ việc đau lòng đã diễn ra, nhưng đỉnh điểm là vụ việc động trời tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), đã làm sẵn khoảng 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học được “dùng chung” cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm máu là một trong những cơ sở quan trọng để chỉ định điều trị người bệnh, vậy mà cả ngàn người đều nhận chung một kết quả thì bệnh nhân sẽ được điều trị thế nào? Chỉ vì tiền mà các vị “lương y” này coi tính mạng của người dân như cỏ rác!
Sự xuống cấp về y đức không phải là vấn đề mới. Hồi cuối năm 2012, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận thực trạng xuống cấp y đức, tiêu cực trong ngành mình quản lý và cam kết đưa ra nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay dường như các giải pháp của ngành y tế mới chỉ dừng ở lời kêu gọi của bộ trưởng mà chưa hề có chuyển biến trong thực tế. Trong xã hội, ngành nghề nào cũng có đạo đức nghề nghiệp, nhưng với ngành y tế thì đòi hỏi y đức phải luôn được đặt lên hàng đầu, vì sự tắc trách, vô cảm của cán bộ y tế có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến tính mạng con người. Chẳng bởi thế mà mỗi sinh viên ngành y khi ra trường đều phải thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates về y đức. Lời thề Hippocrates có thể thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa địa phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lý không thay đổi, đó là không làm hại bệnh nhân, tất cả vì lợi ích của bệnh nhân. Năm 1996, Bộ Y tế cũng ban hành 12 điều y đức, thường được lồng kính và trang trọng treo ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Nhưng đáng buồn là tới nay dường như những lời thề và quy định này đang dần bị lãng quên.

Những vụ việc vừa qua cho thấy, đã tới lúc ngành y tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và có biện pháp khắc phục triệt để sự xuống cấp của y đức. Chúng ta không quên ghi nhận những tấm gương sáng trong ngành y tế, những người thầy thuốc thực sự là “lương y như từ mẫu”, nhưng cũng không thể vì những lý do như bệnh viện quá tải, thu nhập của cán bộ y tế thấp… để xem sự tắc trách, vô cảm, thậm chí coi thường mạng sống bệnh nhân của một số cán bộ y tế là điều bình thường.

Qua chuyện các em học sinh vừa thi đại học đạt tới 27 điểm (3 môn) vẫn có khả năng không đỗ vào trường y có thể thấy rằng, nhân lực cho ngành y đều là những con người ưu tú, xuất sắc của xã hội. Vậy tại sao những người tài, được đào tạo kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với ngành khác và từng tâm nguyện làm theo lời thề cao đẹp lại có thể hành xử những việc gây thêm đau đớn cho người bệnh, nhức nhối cho xã hội? Câu hỏi này cần sớm được giải đáp bằng những giải pháp cụ thể, thay vì những lời kêu gọi chung chung như “hãy vì danh dự ngành y” hay “bệnh nhân không nên đưa tiền cho bác sĩ” mà Bộ trưởng Bộ Y tế từng đưa ra trước Quốc hội.

Một cán bộ lâu năm trong ngành y tế gợi ý rằng Việt Nam cần có lực lượng luật sư chuyên ngành sức khỏe như những nước phát triển. Khi bệnh nhân kiện, bất cứ ai vi phạm sau khi đã xác định sẽ bị phạt rất nặng; do đó những người khoác áo ngành y rất sợ bị vi phạm. Có lẽ cần xem đây là bước đi đầu tiên để khôi phục niềm tin của nhân dân vào y đức của ngành y tế.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục