(SGGP).- Ngày 3-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Ban Chủ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội tổ chức.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các tỉnh trong vùng thủ đô cùng các bộ, ban, ngành trung ương và đông đảo các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô (Ảnh: LÃ ANH)
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người. Toàn bộ quy hoạch vùng thủ đô sẽ có tổng diện tích trên 24.300km², tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 80% diện tích so với vùng TPHCM. Tầm nhìn vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp không chỉ của quốc gia mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương và các chuyên gia đã nêu quan điểm, đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến phạm vi điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển không gian vùng, các biện pháp cụ thể để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trọng điểm như đường vành đai, đường sắt cũng như phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, mạng lưới y tế, giáo dục, thương mại, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, kế hoạch sử dụng đất gắn với các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và mô hình quản lý vùng thủ đô…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô Hà Nội và tiến trình phát triển đúng hướng sau khi triển khai quy hoạch vùng thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh trong thực tiễn một số lĩnh vực cần phải cập nhật quy hoạch với tinh thần chủ động đi trước một bước để đầu tư phát triển đồng bộ, không thể cắt khúc, nhất là về hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, điện, y tế, giáo dục…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ quan điểm mô hình quản lý vùng thủ đô tiếp tục hoàn thiện ban chỉ đạo để tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ điều hành là phù hợp, không nên lập cơ quan phát triển vùng; cũng không thể có chính sách riêng cho từng vùng mà các địa phương cần phối hợp với nhau tính toán phát huy nguồn lực từ đất đai, ngân sách địa phương, thu hút nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau, thu hút đầu tư nước ngoài để thực hiện quy hoạch này. Ban chỉ đạo quy hoạch và xây dựng vùng thủ đô cùng các địa phương đề xuất các cơ chế nhằm tạo điều kiện khai thác tốt nhất, tiềm năng lợi thế để phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ một nhiệm vụ cấp bách đối với vùng thủ đô Hà Nội: “Bộ NN-PTNT phối hợp với Hà Nội và các địa phương khôi phục lại toàn bộ hệ thống các sông, khôi phục, nạo vét, từng bước kè các nơi, vừa làm đẹp, vừa đảm bảo thoát nước, giao thông thủy. Ví dụ như sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch… không thể để sông tắc, sông chết. Thậm chí cho tư nhân bỏ tiền ra kè các bờ sông và được sử dụng một khoản diện tích nào đó Nhà nước không tốn tiền mà vẫn đảm bảo dòng chảy, vẫn đảm bảo giao thông. Tôi cũng đề nghị các tỉnh và Hà Nội khôi phục lại các hồ bị lấn chiếm. Hà Nội bố trí các trạm bơm cưỡng bức để chống ngập, để không thể nói Hà Nội bị ngập lũ, để thủ đô Hà Nội mưa là ngập được…”.
Trên cơ sở rà soát lại hệ thống hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường không, khu kinh tế trong vùng thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và các tuyến vành đai Hà Nội; tạm dừng các dự án giao thông chưa cấp thiết, không còn phù hợp với thực tiễn; khuyến khích tư nhân đầu tư vào các tuyến đường sắt chất lượng cao; không phát triển tràn lan các khu công nghiệp bám sát các trục giao thông chính; quy hoạch phát triển nghĩa trang gắn với khuyến khích hình thức hỏa táng; tập trung quy hoạch xây dựng các khu xử lý rác thải cách xa khu dân cư và không gây ô nhiễm môi trường.
BẢO MINH