Khôi phục và duy trì niềm tin

Có người nói rằng, niềm tin là một trong những thứ khó tạo dựng nhất. Cũng như trong cuộc sống thường nhật, niềm tin trong lĩnh vực đầu tư - kinh doanh được tạo dựng và duy trì căn cứ trên quan hệ giữa con người với con người. Nhưng không chỉ có thế, mối quan hệ này thường phải được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách và cả quá trình thực thi các chủ trương, chính sách ấy. Niềm tin đó còn được tạo dựng và duy trì thông qua suốt cả quá trình, từ sự đầu tư ban đầu đến lúc làm ra sản phẩm, sinh lợi nhuận, tái đầu tư và đóng góp cho cộng đồng của từng doanh nghiệp (DN). Niềm tin đó không thể ngắn hạn, vì đối với các nhà đầu tư chân chính, đầu tư - kinh doanh luôn là một quá trình dài lâu và có tính liên tục.

Trong mấy năm qua, do tình hình kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, nền kinh tế trong nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, có những thời điểm, niềm tin của giới đầu tư, các nhà DN xuống thấp, thậm chí là rất thấp. Từ giữa đến cuối năm 2013 đã xuất hiện dấu hiệu khởi sắc của một số nền kinh tế lớn trên thế giới và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dòng tiền bắt đầu được chu chuyển mạnh giữa các trung tâm kinh tế trên toàn cầu; hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu với nhịp độ cao hơn; nhiều nhà đầu tư tăng tốc tìm kiếm cơ hội mới…

Ngày 25-2 vừa qua, tại TPHCM, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố kết quả cuộc khảo sát lần thứ 14 về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hàng quý. Điều khá bất ngờ là kết quả khảo sát cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đang tăng cao. Lần đầu tiên, trong quý 1-2014, BCI vượt trên mức trung bình, tăng từ 50 điểm lên 59 điểm kể từ năm 2012. Trước đó đúng 1 ngày, tại Hà Nội và TPHCM, Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cũng đã công bố báo cáo xu hướng đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cũng thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực: khoảng 70% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục chọn Việt Nam là đất nước để họ đến và đầu tư; 90% DN cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu. Trong đó, riêng các DN trong lĩnh vực phi sản xuất cho rằng lý do khiến họ mở rộng đầu tư tại Việt Nam là bởi nước ta có tiềm năng, các DN có khả năng tăng trưởng cao.

Đó là những con số được thống kê theo phương pháp khoa học, được thực hiện bài bản nên có mức độ tin cậy khá cao. Thực tế, đối với hầu hết các nhà đầu tư châu Âu và Nhật Bản, việc đánh giá đúng về chỉ số niềm tin, xu hướng đầu tư của DN hay khả năng sinh lợi nhuận… là hết sức quan trọng. Điều này không chỉ quyết định tương lai của DN mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của quốc gia mà họ chọn để đầu tư. Không chỉ với các con số thống kê vốn dĩ khô khan, những ý kiến lý giải của các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm đến từ nhiều nước châu Âu và Nhật Bản, mà còn cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã được phục hồi và đang tăng rõ rệt.

Ngoài nhiều yếu tố khác, đối với các nhà đầu tư châu Âu, việc Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sắp được ký kết là một căn cứ quan trọng để đầu tư lâu dài. Với các nhà đầu tư Nhật Bản, cùng với những biến động chính trị, tranh chấp chủ quyền trong thời gian qua ngày càng trở nên gay gắt, việc chọn và chuyển hướng đầu tư từ nơi khác đến Việt Nam được xem như một xu hướng tất yếu. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã, đang xem Việt Nam là nơi “đất lành, chim đậu”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước, trong năm 2014, nền kinh tế nước ta vẫn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng sẽ có không ít chuyển động tích cực. Một trong những tín hiệu đó là ngay từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TPHCM tăng mạnh trở lại. Đến giữa tháng 2-2014, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án đầu tư mới với số vốn 150,6 triệu USD, tăng 102% về số dự án mới và tăng 340% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, 13 dự án khác đã điều chỉnh tăng vốn với 36,5 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt hơn 240 triệu USD, chiếm gần 50% chỉ tiêu của cả năm 2014.

Mặc dù đó là những tín hiệu tích cực, rất đáng mừng nhưng chỉ mới là sự khởi đầu. Theo cảnh báo của một số chuyên gia kinh tế hàng đầu, nếu lơ là thiếu kiểm soát, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng giảm phát trong tương lai. Nếu cảnh báo đó trở thành sự thật, nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối diện với nhiều nguy cơ mới.

Bên cạnh những đánh giá tích cực, các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Nhật Bản cũng nêu lên những khó khăn, thách thức mà họ thường phải đối diện trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Các trở ngại hàng đầu là tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, nạn nhũng nhiễu, nhiều văn bản pháp lý chồng chéo, thủ tục hải quan rườm rà… khiến không ít nhà đầu tư nản lòng, niềm tin bị thử thách, thậm chí suy giảm nghiêm trọng.

Tạo dựng và khôi phục niềm tin đã khó, việc nuôi dưỡng, duy trì được niềm tin còn khó khăn gấp bội phần! Để giữ được niềm tin của các nhà đầu tư, cơ quan chức năng cần nhanh chóng, quyết liệt hơn trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục hải quan không thật cần thiết… Nhưng quan trọng hơn hết, vẫn là sự vận hành hệ thống pháp luật một cách minh bạch, công bằng. Nếu làm được như vậy, niềm tin của các nhà đầu tư sẽ được khôi phục, tăng cường và duy trì vững chắc!

ĐÌNH TUÂN

Tin cùng chuyên mục