Khởi sắc làng quê

Những ngày đầu năm mới 2018, chúng tôi về các vùng nông thôn của tỉnh Đồng Tháp nghe người dân râm ran câu chuyện “xuất ngoại làm giàu”. Có rất nhiều gia đình từ chỗ khó khăn nhưng chỉ sau vài năm đi nước ngoài lao động, làm việc đã đổi đời ngoạn mục. Ước tính mỗi năm những người dân Đồng Tháp xuất ngoại mang về cả ngàn tỷ đồng, một số tiền mơ ước… 


Đổi đời nên “ăn tết lớn”
Công việc của anh Nguyễn Ngọc Thuận ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) dạo gần đây khá bận rộn. Cửa hàng vật tư nông nghiệp của anh buôn bán tấp nập, phục vụ cho người dân vào vụ chăm sóc lúa đông xuân, canh tác vườn quýt hồng, quýt đường, cam xoàn…
Bên cạnh đó, anh Thuận còn làm thêm vườn, ruộng nhằm tăng thu nhập. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thuận kể: “Trước đây, gia đình cũng làm nông nghiệp nhưng do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên sản xuất không hiệu quả. Trăn trở tìm cách thoát nghèo, thế là tôi đi học nghề điện. Khi học xong, tôi được các ngành chức năng giới thiệu đi nước ngoài làm việc chuyên về khung ô tô. Nhờ công việc ổn định nên mỗi tháng “bỏ túi” khoảng 25 triệu đồng. Tôi lao động ở nước ngoài khoảng 6 năm và dư được số tiền kha khá; thế là về quê mua đất mặt tiền để mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, cuộc sống bây giờ thoải mái”. Đưa chúng tôi đi một vòng căn nhà khang trang vừa xây dựng xong, ông Đoàn Văn Việt, ngụ xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, mừng ra mặt: “Tụi tui ở nông thôn kinh tế dựa vào nông nghiệp, trong khi mùa vụ khi trúng khi thất và giá cả lên xuống không ổn định nên rất khó làm giàu. Thấy tỉnh nhà đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có thu nhập cao nên tôi liền đăng ký cho con trai mình đi ngay. Sang bên ấy gặp được công ty có điều kiện làm việc tốt, thu nhập mỗi tháng từ 25 - 30 triệu đồng, số tiền rất cao so với ở vùng quê Đồng Tháp. Chỉ sau vài năm xuất khẩu lao động mà gia đình tôi đã tích lũy được số vốn khá để xây nhà; tết này được sum vầy trong ngôi nhà mới”.
Khởi sắc làng quê ảnh 1 Anh Nguyễn Ngọc Thuận ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) mua được đất vườn, mở cửa hàng vật tư nông nghiệp từ tiền xuất khẩu lao động
Anh Lê Nhựt Trường ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tâm sự: “Trước đây, khi tốt nghiệp ngành cơ điện ở Trường ĐH Cần Thơ, tôi cảm thấy tìm việc làm trong nước rất khó và thu nhập không cao, vì vậy, tôi học tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động vào năm 2014. Qua 3 năm làm việc ở Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí với mức lương khá cao, nhờ đó mà có dư được gần 1 tỷ đồng. Đầu năm 2017, tôi trở về quê trong tâm thế có kỹ năng lao động hiện đại, có kiến thức và khá rành về tiếng Nhật. Tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp nhận vào dạy tiếng Nhật cho những người có nhu cầu đi lao động nước ngoài. Cuộc sống trước đó khó khăn, bây giờ ổn định”. 
Ở các huyện Lai Vung, Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông… mấy năm nay có rất nhiều người hăng hái đi xuất khẩu lao động, trong đó tập trung chủ yếu là thị trường Nhật Bản, bởi nơi đây có thu nhập cao, từ 25 - 35 triệu đồng/người/tháng. Ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, hồ hởi: “Năm 2017, toàn huyện có hơn 200 người đi xuất khẩu lao động; còn khoảng 150 người đã học nghề, học tiếng Nhật nhưng phải “chờ” vì chưa tới đợt. Xuất khẩu lao động đã thật sự giúp nhiều gia đình từ khó khăn vươn lên khá giả, xây nhà, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt trong nhà, mua đất để lập nghiệp, tạo dựng cơ sở làm ăn vững chắc sau này. Quả ngọt này không chỉ người dân vui, mà chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng mừng lắm. Tết 2018 này rất nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động ăn tết lớn”. 
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Trong vài năm gần đây, Đồng Tháp trở thành điểm sáng ở khu vực ĐBSCL về xuất khẩu lao động. Song để có được kết quả như hôm nay là cả quá trình nỗ lực của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng những quyết sách đúng đắn kịp thời.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bộc bạch: “Khoảng năm 2014 trở về trước, tình hình xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp khá yếu, mỗi năm chỉ có vài trăm người đi lao động nước ngoài nên nguồn thu không bao nhiêu. Sau đó, tỉnh đã họp tìm ra nguyên nhân yếu kém và xác định xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động cũng nhằm đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe… Việc làm này cũng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, Đồng Tháp đã thành lập Ban chỉ đạo về xuất khẩu lao động. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nghị quyết, công văn chỉ đạo các sở ngành, huyện, thị… tập trung quyết liệt cho xuất khẩu lao động, giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính của từng đơn vị.
HĐND tỉnh ra nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2017-2020; trong đó hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, thủ tục đi nước ngoài, chi phí khám sức khỏe; hỗ trợ chi phí vay vốn đi xuất khẩu lao động. Đồng thời giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp là đơn vị “đầu mối”, chịu trách nhiệm chính về tìm hiểu thị trường, tư vấn cho người dân, đào tạo nghề, học ngoại ngữ… để xuất khẩu lao động. 
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Quan điểm của tỉnh trong xuất khẩu lao động là “đi làm thuê, về làm chủ”. Lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đã trực tiếp sang Nhật Bản, Hàn Quốc… tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, trực tiếp làm việc với đối tác nhằm đưa lao động tỉnh nhà đi xuất khẩu lao động đúng thị trường, đúng ngành nghề mà nước ngoài cần nhằm có thu nhập cao. Tất cả những ai đi xuất khẩu lao động đều được đào tạo bài bản về nghề nghiệp, tiếng nước ngoài, ý thức kỷ luật, kỹ năng giao tiếp, ứng xử...
Đây cũng là cách để xây dựng “thương hiệu lao động Đồng Tháp” với hình ảnh đẹp trên thị trường quốc tế. Từ sự quyết tâm trên, ngày càng nhiều công ty nước ngoài (nhất là Nhật Bản) chuộng tuyển dụng lao động Đồng Tháp, bởi họ cần cù, chất phác, hiền hòa, nhanh nhạy trong công việc…”
Thêm cái hay của Đồng Tháp là không chỉ lao động phổ thông ở nông thôn tham gia xuất khẩu lao động, mà các ngành chức năng tư vấn cho nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng… đi xuất khẩu lao động bởi thu nhập cao hơn làm việc trong nước; đồng thời rèn luyện thêm tay nghề, kiến thức, khả năng hòa nhập trong môi trường mới, hiện đại nhằm làm hành trang cho sau này. Ngoài ra, rất nhiều con em của cán bộ ở tỉnh, các huyện, các xã… cũng xung phong đi xuất khẩu lao động, từ đó tạo niềm tin và lôi cuốn nhiều người dân tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.007 người đi lao động nước ngoài (nhiều nhất là Nhật Bản); riêng năm 2017 có gần 1.700 người đi xuất khẩu lao động; bình quân mỗi năm người lao động ở nước ngoài mang về hơn 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế gia đình và xã hội”. 

Tin cùng chuyên mục