Khơi thông các điểm gây tắc nghẽn dòng chảy

Mặc dù TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn TP, song thực tế con số vi phạm không hề giảm mà có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này khiến tình hình ngập nước thường xuyên xảy ra khi có mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao.
Khơi thông các điểm gây tắc nghẽn dòng chảy

Cả trăm điểm gây tắc nghẽn dòng chảy

Trước thực trạng ngập càng gia tăng, từ năm 2016, UBND TPHCM đã lập nhiều đoàn kiểm tra thực địa tại một số vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước điển hình trên địa bàn 10 quận huyện và chỉ đạo xử lý dứt điểm. Tuy nhiên việc xử lý của các đơn vị chức năng cũng như tại các địa phương chưa quyết liệt.

Tháng 9-2016, đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì đã đi kiểm tra tình hình lấn chiếm hệ thống thoát nước tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và các quận 12, Gò Vấp. Sau khi đi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đồng ý UBND quận Tân Bình tạm ứng kinh phí để triển khai dự án mở rộng kênh A41, đồng thời yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ.

Đối với một số trường hợp lấn chiếm ở kênh Đồng Tiến (quận 12), đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (TTCN) phối hợp quận 12 lập dự án ngay để giải quyết các trường hợp này. Về tình trạng lấn chiếm rạch Cầu Suối cũng ở quận này dù đã có dự án từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do chưa xác định được ranh quy hoạch.

Hiện trên địa bàn TP có cả trăm điểm lấn chiếm làm tắc nghẽn dòng chảy mỗi khi có mưa lớn cùng triều cường dâng cao.

Theo TTCN, hiện trên địa bàn TP còn tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường); 105 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường); 13,9km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường); 61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch phục vụ thoát nước. Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc TTCN Đỗ Tấn Long cho biết, qua theo dõi tình hình ngập nước do những cơn mưa vừa qua trên tổng số 678 trục đường chính, khả năng xảy ra ngập trên 23 tuyến đường.

Cụ thể, với lượng mưa 50mm có hơn 15 tuyến đường ngập khoảng 0,10 - 0,20m như Mai Thị Lựu, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Công Định, Bàu Cát, Ba Vân, quốc lộ 13, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Tân Quý, Lưu Hữu Phước 2, Mễ Cốc 2, Trương Vĩnh Ký... Đối với những trận mưa có vũ lượng lớn hơn 50mm sẽ gây ngập thêm 8 tuyến đường (ngập khoảng 0,10 - 0,30m) như Phan Anh, Bạch Đằng, Lê Đức Thọ, quốc lộ 1A, Tôn Thất Hiệp, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân…

Xử lý nghiêm nạn lấn chiếm

Thời gian qua, TTCN phối hợp các đơn vị liên quan và các quận, huyện xử lý 7 vị trí lấn chiếm cửa xả và đang tiếp tục phối hợp xử lý 52 vị trí lấn chiếm còn lại của 18 tuyến đường. Đối với hầm hố ga xử lý 10 vị trí thuộc 5 tuyến đường, đang phối hợp xử lý 95 vị trí còn lại của 36 tuyến đường. Với hệ thống cống xử lý 0,284 km cống và 9 hầm ga thuộc 4 tuyến đường, đang phối hợp xử lý 13,570 km cống và 385 hầm ga của 88 tuyến đường. Xử lý 5 vị trí lấn chiếm kênh, rạch thuộc địa bàn các quận Thủ Đức (3 vị trí), quận 9 (2). Đồng thời đang phối hợp xử lý 56 vị trí; và gần 11 vị trí bổ sung thêm thuộc các quận 12 (6), huyện Hóc Môn (4), quận Bình Tân (1).

Để xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch, theo TTCN phải thực hiện các bước khảo sát, đo đạc, thống kê các trường hợp để xây dựng phương án sử dụng đất rồi lập dự án, xin kinh phí, phải qua rất nhiều khâu thủ tục mới thực hiện được chứ không phải nói là làm ngay được, phải thực hiện các bước khảo sát, đo đạc, thống kê các trường hợp để xây dựng phương án sử dụng đất.

Trước mắt, TTCN thực hiện nạo vét khơi thông dòng chảy đối với các tuyến kênh để giảm bớt ngập trong mùa mưa. Cụ thể, tại vị trí cửa xả 5D kênh Đồng Tiến (quận 12) đang nghiên cứu và đề xuất thực hiện dự án cải tạo tuyến kênh Đồng Tiến (đoạn từ quốc lộ 1A đến kênh Tham Lương); trong thời gian chờ thực hiện dự án, TTCN tiến hành nạo vét các vị trí lắng đọng bùn đất để tạm thời thoát nước cho khu vực.

Tại cửa xả 44/6 đường Phạm Văn Chiêu và tuyến rạch Trường Đai nhánh 2, TTCN đang nghiên cứu và đề xuất thực hiện dự án cải tạo tuyến rạch này (đoạn từ đường Phạm Văn Chiêu đến kênh Tham Lương). Trong thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định, TTCN tiến hành nạo vét các vị trí lắng đọng bùn đất để thoát nước.

Đối với hàng loạt vị trí cửa xả đã bị xây dựng lấn chiếm dọc tuyến đường Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Khoái… thành phố đang thực hiện dự án cải tạo tuyến kênh Tẻ, kết hợp với chỉnh trang đô thị thuộc giai đoạn 3 dự án cải thiện môi trường nước thành phố. Các nhà dọc theo hai bên tuyến kênh sẽ được di dời.

Hiện nay, UBND quận 4 đang thực hiện thống kê, rà soát pháp lý để phục vụ cho dự án trên. Tại các điểm lấm chiếm rạch Bến Ngựa, ao Hương Tràm, cửa xả rạch Bà Bướm, cửa xả số 1 Nguyễn Hữu Thọ, rạch ông Đội nhánh 1 trên địa bàn quận 7 chỉ mới xử lý điểm lấn chiếm tại cửa xả số 1 đường Nguyễn Hữu Thọ. Hiện UBND quận 7 đang tiến hành rà soát để có biện pháp giải quyết đối với những vị trí còn lại.

Trong thời gian chờ triển khai các dự án trọng điểm, TTCN tiếp tục sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, kênh rạch; lắp đặt và vận hành van ngăn triều tại các cửa xả; đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước; tổ chức trực mưa, vớt rác trước miệng thu trước, trong và sau cơn mưa; vận hành các cống kiểm soát triều: Bình Lợi, Bình Triệu, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc -Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa, tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ bơm thoát nước như bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đồng Diều, Bình Hưng Hòa…

Thời gian tới, TP quyết tâm khôi phục tất cả hệ thống kênh rạch thoát nước tự nhiên. Trọng tâm là giải quyết tình trạng nhà ở lấn chiếm kênh rạch, cản trở hệ thống thoát nước. Để thực hiện điều này, mới đây, UBND TP đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện ban hành kế hoạch chi tiết, thể hiện rõ các mốc thời gian xử lý, khẩn trương xử lý nghiêm, dứt điểm và di dời các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước.

Trong thời gian tới, quận, huyện và phường, xã nào để hành lang sông và kênh rạch bị lấn chiếm hay tái lấn chiếm thì người đứng đầu sẽ bị kỷ luật. Bên cạnh đó, thành phố cũng vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ hành lang sông, hệ thống thoát nước, xử phạt đối với những trường hợp xả rác, chất thải xuống lòng kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy. Đồng thời, nghiêm cấm mọi trường hợp san lấp kênh rạch phục vụ thoát nước.

Tin cùng chuyên mục