Khơi thông nguồn lực

Nam cực là nơi xa Mặt trời nhất và ở một góc khuất nhất của Trái đất, đến nỗi quanh năm không có một tia nắng nào rọi tới, làm cho băng giá phủ dày đến gần 3 cây số. Ở đó chỉ cho phép một vài loài động thực vật cá biệt có thể sống được một cách vô cùng khó khăn. Thị trường bất động sản của TPHCM mấy năm nay cũng được ví như tình trạng đóng băng ở Nam cực vậy.

Nam cực là nơi xa Mặt trời nhất và ở một góc khuất nhất của Trái đất, đến nỗi quanh năm không có một tia nắng nào rọi tới, làm cho băng giá phủ dày đến gần 3 cây số. Ở đó chỉ cho phép một vài loài động thực vật cá biệt có thể sống được một cách vô cùng khó khăn. Thị trường bất động sản của TPHCM mấy năm nay cũng được ví như tình trạng đóng băng ở Nam cực vậy.

Gần chục năm trước, thị trường nhà đất ở TPHCM vốn rất sôi động, có những lúc tạo nên những cơn sốt. Song nó nhanh chóng hạ nhiệt và trở nên băng giá. Cuối năm ngoái, một số động thái xả hàng của một vài doanh nghiệp kinh doanh nhà đất những tưởng đem lại sinh khí mới cho thị trường vốn rất ảm đạm này. Nhưng đó chỉ là một vài đốm lửa nhỏ giữa đêm đông giá lạnh rồi tắt lịm. Hậu quả là hàng chục ngàn căn hộ từ biệt thự đến chung cư cao cấp phủ rêu phong, hàng ngàn lô đất với nhiều kích thước khác nhau nằm im dưới cỏ. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là hàng trăm ngàn tỷ đồng - một nguồn lực rất lớn của xã hội - đã bị chôn chặt, không được sinh sôi nảy nở phục vụ cho quốc kế dân sinh. Thật lãng phí vô cùng.

Tìm đến ngọn nguồn của những dòng vốn đầu tư này mới càng giật mình: Phần lớn số vốn này vay từ ngân hàng. Theo nguyên tắc riêng của hệ thống ngân hàng, lãi suất đến kỳ là doanh nghiệp phải trả không thiếu một xu; đáo hạn không được sẽ có rất nhiều giải pháp ràng buộc chặt chẽ và thậm chí bị siết nợ và… phá sản! Chính vì thế, nếu không tiêu thụ được hàng hóa - ở đây là bất động sản - các doanh nghiệp như ngồi trên lò thiêu. Cho đến nay chưa ai thống kê được các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở TPHCM đã bị lỗ bao nhiêu, nhưng con số hàng ngàn tỷ đồng lỗ lã ấy chưa đáng sợ bằng hậu quả của phản ứng đôminô do tình trạng đóng băng thị trường này gây ra. Vì vậy, làm cho thị trường bất động sản tan băng, sôi động trở lại chính là khơi thông nguồn lực lớn của xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, gói giải pháp cho tình trạng này phải đến từ hai phía: nhà nước và doanh nghiệp. Trước hết doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách điều chỉnh lại giá cả các hàng hóa bất động sản và phương thức mua bán sao cho phù hợp với khả năng thanh toán của đông đảo người lao động, nhất là những người có thu nhập thấp - đối tượng chính đang thiếu nhà và đất ở. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp có thể phải chấp nhận lãi ít hoặc không có lãi nhằm giải phóng hàng hóa, thu hồi vốn để đáo hạn cho ngân hàng và tái sản xuất. Thực tế cho thấy, chỉ cần doanh nghiệp hạ giá căn hộ hoặc đất nền (tất nhiên hạ giá đến đâu đều cần được tính toán chặt chẽ) thì lập tức thị trường sẽ sôi động trở lại.

Về phía nhà nước, Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ mới đây đã giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nói riêng. Song những giải pháp đó vẫn chưa đủ kích hoạt cho thị trường bất động sản ấm lên. Điều quan trọng nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản bán được hàng. Các doanh nghiệp và cả người dân, nhất là những người có thu nhập thấp đang mong chờ sự hỗ trợ từ phía nhà nước để giải cứu cho họ và cũng là giải phóng một nguồn lực rất lớn của xã hội.

Hy vọng thời gian tới, với nhiều gói giải pháp từ các phía, thị trường nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ thoát khỏi vùng “Nam cực băng giá”.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục