Khôn dại

Quần áo chỉnh tề, ông còn vuốt ve, kéo căng hai vạt áo vốn dĩ đã thẳng thớm. Thẳng chứ sao không, ủi bằng bàn ủi hơi nước đấy. Cái bàn ủi giá thị trường của nó hơn hai triệu đồng mà ông chỉ trả có một triệu mốt đã mua được. Phải ưu tiên lắm mới có suất chứ đùa. Đã vậy còn kèm cái giấy khen “có thành tích tốt trong công tác”. Lúc ông mang cái bàn ủi về, khối đứa hậm hực.
Khôn dại

- Bà thấy sao?

- Tinh tươm rồi. 

Chỉ chờ có thế, ông đi. Ông không thích lịch lãm hay đẹp trai, oai vệ càng không, mấy món đó dành cho các sếp, là những người ngồi xe con bóng loáng. Còn ông, ông biết mình lắm chứ, bảo vệ như ông, cái cần là sự nghiêm túc chỉn chu, tươm tất là đỉnh cao, là đỉnh của đỉnh rồi. 

Ông không những biết mình còn biết cả người, đó là kỹ năng. Gần bốn mươi năm trong nghề, ông nhìn là biết ai gian ai ngay, ai sếp ai lính. Một ngày ông nhìn thấy không biết bao nhiêu người ra người vào, nghề nghiệp, tính nết cứ như viết ngay lên mặt. Bề ngoài chưa phải là tất cả, cái quan trọng là tư thế, thần thái, là vẻ ngạo nghễ kiêu hãnh toát ra từ mỗi người. 

Này nhé, một anh giao hàng lấy đâu ra phong cách của nhân viên văn phòng. Anh ta luôn có sự lo lắng và vội vã, hấp tấp. Đi giao hàng sợ nhất là gì, là giao hàng muộn, nhất là hàng đồ ăn thức uống, là sợ người ta khui hàng ra rồi chê bủng beo không lấy, hay tệ hơn là người ta không nghe máy, không nhận hàng. Bảo ông giải thích thì ông chịu, đám trẻ gọi đó là linh cảm, có lẽ vậy, nó là một tài năng mà không phải ai cũng có. 

Như tháng trước đấy, chẳng biết nguyên cớ sao sếp tổng lại đi lái xe, quăng cặp cho cậu trợ lý ngồi bên cạnh. Sếp hẳn mới biết lái, mặt mũi căng thẳng, tay áo xắn quá khuỷu, cậu trợ lý lại thẳng thớm ôm cặp ngồi ngay cạnh. Ông nhìn một cái là nhận ra sếp ngay. 

Quả thật dễ nhầm khi hôm ấy sếp ăn mặc tuềnh toàng, nhưng cái tuềnh toàng ấy lại có giá chóng mặt. Ông nhanh trí gọi điện vào trong báo có khách quý đến, ông còn không quên nhắc ai là sếp ai nhân viên. Quả nhiên, sếp xuống đón vừa kịp lúc với khay khăn ướt và chai nước lạnh. 

Vụ ấy, ông được sếp khen không ngớt lời. Sếp nói ông như có mắt thần rà được ai là ai. Sếp vỗ vai khen ông ngay giữa sân, có bao nhiêu người ra người vào, may mà có ông tinh mắt không thì phen này hố to, cứ cậu trợ lý mà khúm núm thì có nước nhìn cái dự án ấy không cần mọc cánh cũng bay mất. Nhưng sếp khen thế thôi chứ không có phong bì. 

Chán cho bà vợ già nhà ông, thấy chồng được khen chẳng mừng thì chớ còn gàn, nói ông làm gì cũng khéo một tí, mình là bảo vệ, cứ xen vào chuyện người ta không hay đâu. Cơ quan cũng như một gia đình, cũng có những chuyện không thể nói ra cho người ngoài, ông cái gì cũng biết, không khéo rồi thành mầm họa. 

* * *

- Con chó tưởng khôn mà sao ngu thế không biết, toi mấy triệu bạc.

- Nó bảo vệ chủ chứ sao, mù quáng với cả tấm lòng. Khen nựng một câu là vểnh đuôi lên ngay.

Ở bàn đá góc sân dưới giàn trang leo, sáng sớm đã có người ngồi. Bàn cà phê của cơ quan ở đó. Câu chuyện hôm nay là con chó bảo vệ chủ đã nhào ra cắn người hàng xóm vì ông ta mang cái xẻng vào sân. Chẳng qua là ông ta đang làm dở luống rau, nhưng con chó lại nhận định là chủ nó bị đe dọa. Tất nhiên là người hàng xóm phải đi viện, con bẹc giê ấy có bé bỏng gì, nặng mười bảy cân. 

Ông dừng những bước chân chậm, người vừa nói, ông biết, là tay Tú phòng kế hoạch. Hồi năm ngoái cơ quan bình bầu lao động xuất sắc, hắn ta đã “mua” đồng nghiệp với giá là chuyến du lịch biển dành cho hai người, nhưng cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Người được chọn lại là người khác có số phiếu thấp hơn. 

Hắn ta nghi ông. Hôm hắn ngồi bàn chuyện chỉ có ông lởn vởn quanh đấy. Ông cau mày - “lởn vởn”? Hắn nghĩ ông rảnh rỗi chắc? Hắn nghĩ ông tố cáo chắc? Vậy thì hắn đã nghi đúng rồi. Ông chứ ai vào đây…

Vụ “bỏ nhỏ” cho sếp biết tay Tú đang “vận động hành lang” và vài vụ tế nhị khác, sếp khen ông có thành tích tốt, ưu tiên cho ông mua cái bình đun nước với giá bằng một nửa. Sếp còn nói, chỉ cần có tâm có trí thì chỉ là bảo vệ cũng cống hiến và tỏa sáng được.

Nếu không phải ông tinh, làm sao ông phát hiện chiều ấy cô bồ của cha phó phòng quản lý nhào vào tính làm loạn kiểu đằng nào cũng không ăn được thì phá cho hôi, tầy huầy hết ra coi ai mất mặt cho biết. 

Này nhé, cô ta ăn mặc nền nã y hệt nhân viên công sở, áo sơ mi tay bồng và váy hoa. Cô ta nói cho vào gặp anh X phó phòng. Nhìn ánh mắt quyết liệt, nhìn bộ móng tay cô ta sơn nhũ tím còn gắn hột, ông nghi liền. Ông vờ vỗ trán, anh X đi công tác cơ sở từ hôm qua, cuối tuần mới về. Sáng qua chị vợ ảnh còn đến đây gửi mấy hộp thuốc bổ. Lúc ông kéo X lại, tả cô ấy thế này thế này, ông thấy trán cha phó phòng rịn một lớp mồ hôi, hai tay không ngừng lau vào đùi… 

Tối ấy có tiếng người gọi cửa, bà vợ ông đi ra và hớn hở quay vào với túi quà. Là chai rượu và cái phong bì. Ông lờ mờ đoán ra là ai gửi, thấy vẻ hớn hở của mụ vợ mà ghét. Đấy, cứ nói ông phải “mũ ni che tai”, biết nhiều chết sớm. Nhận quà không biết có biết nói câu đẩy đưa từ chối nào không. Mấy lần ông mang quà về mụ ấy chẳng đi khoe khắp.

Từ hôm ấy cha X phó phòng luôn tít mắt cười với ông, thái độ vui vẻ họ hàng hẳn, biết ông có bệnh đau lưng, X còn hứa khi nào về thăm cha vợ sẽ xin cha vợ chai rượu thuốc tặng cho ông. Ông biết mình vừa cứu chả một bàn thua trông thấy. 

Cũng vì ngồi chòi canh mà ông nắm bắt khá nhiều thông tin từ mật đến vỡ mật. Rằng tối qua anh gì đi nhậu về khuya bị vợ cho nằm sàn, cô kia bị chồng phát hiện vào nhà hàng với người lạ. Cô nói mình đi tiếp khách cùng sếp, nhưng đến tối chả thấy khách nào, nói cho đúng, sếp là vị khách cô cần tiếp. Cô mắng chồng, những thứ anh đang ăn xài, là nhờ cô ta tiếp khách mà có. Nếu anh thanh cao thử nhịn xem sao.

Những chuyện thâm cung bí sử thế nhưng đều lọt ra. Ông nghe hết, thấy hết, nhưng ông tự nhận mình là một người gác cổng có đạo đức, ông ngậm miệng giữ kín. Cảm giác nắm được bí mật của người khác luôn làm ông phấn khích và ông thấy mình thật quan trọng. 

Nhưng chẳng ai khôn được mãi. Cũng đến ngày ông phạm sai lầm khi làm khó làm dễ em gái của vợ sếp. Cô ấy có nói mình là ai nhưng ông không tin, tin làm sao được khi vợ sếp vừa già vừa xấu. Trong khi cô này lại nhỏ xinh, mặt hoa da phấn, váy ren ngắn trên gối, đứng xa cả mét mà mùi nước hoa vẫn ngan ngát. 

Sếp kêu ông lên phòng, hắng giọng: 

- Quyền của anh hơi to rồi đấy! 

Ông lủi thủi ra về, tối lại nhận được tin, chuyện em vợ sếp bị chặn ngoài cổng, đứng phơi nắng gần ba mươi phút, sau đó phải đi spa suốt bốn tiếng đồng hồ dưỡng da đã đến tai sếp bà. Bà nói có phải sếp nhu nhược nên cha già bảo vệ cũng có thể lên mặt. Em gái bà mà còn chặn lại được thì những người lao động bình thường muốn ra vào cổng chắc bị hành bạc mặt. Bộ mặt cơ quan cũng cần đổi mới tươi trẻ. Để bà hỏi xem mấy bà bạn có em cháu người quen gì chưa có việc làm không...

Ông đến cơ quan từ sớm, cả tòa nhà yên ắng lặng phắt. Ông ngồi xuống chỗ cái bàn đá, pha trà và rót cho mình. Ông không biết mình còn đến đây bao lần nữa. Bao nhiêu năm, ông đã cống hiến, đã sáng suốt, nhưng chỉ một lần sơ suất thôi, ông thành tội đồ. Hôm nay ông mới nhận ra mình chỉ là gã bảo vệ quèn, mấy cái vỗ vai, mấy lời tán thưởng khiến ông quên mất mình chỉ là cái barie hình thức. 

Bàn đá dưới gốc cây mai tứ quý dần dần có người ngồi, khói thuốc át mùi trà. Người ta tự đến, tự rót trà và gần như không ai nhìn thấy ông, một người bằng xương bằng thịt ngồi lù lù đó. Ông chống tay vào đầu gối đứng dậy, còn nghe thấy tiếng đầu gối mình kêu lạo xạo, thái độ của mọi người khiến lòng ông càng lạnh. Hẳn họ biết ông sắp “phăng teo”, nhiệt tình làm gì nữa. 

Ông nhìn tay Tú đang ngồi vắt chéo chân với những vòng khói thuốc. Ông đến gần, thấy mùi khói thuốc này thật dễ ngửi.

- À, hôm trước anh kể con chó nhà anh cắn người để bảo vệ chủ. Nó sao rồi?

- Riềng mẻ rồi!

- Nó khôn thế mà… 

- Kể ra cũng khôn, nhưng mà khôn dại...

Tin cùng chuyên mục