(SGGP). - Trong 1 ngày rưỡi làm việc (8-9 và 9-9), Hội nghị ĐBQH chuyên trách nghe các báo cáo và đóng góp ý kiến hoàn thiện hai dự án luật: Luật về Hội và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo dự thảo luật trình Quốc hội (khóa XIII) thì Luật về hội không áp dụng đối với “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo luật; trong khi loại ý kiến thứ hai đề nghị luật cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội, trong đó bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội, vì mặc dù có những đặc thù riêng, các tổ chức này có cơ cấu tổ chức tương tự các cơ quan Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, hơn nữa, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì đó là các tổ chức xã hội tự nguyện của nhân dân, không phải cơ quan Nhà nước.
Dự thảo luật được tiếp thu chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất. Một nội dung khác nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến là việc áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam; thành lập hội của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam.
Trình bày báo cáo trước hội nghị ĐBQH chuyên trách được tổ chức tại Nhà Quốc hội sáng 8-9, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNNĐ) Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”, trong đó bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Chương II; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người tại Chương I…
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã quy định một số nội dung về nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng. Theo đó, việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Đáng lưu ý, việc tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục được các đại biểu dự hội nghị đánh giá là vấn đề nhạy cảm.
ANH THƯ