Không bao che cho sự lạm quyền

Trong nửa tháng qua, báo chí đã tốn nhiều giấy mực, dư luận bức xúc lên tiếng về vụ Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ trái phép 2 tấn bạch tuộc của ngư dân huyện Cần Giờ (TPHCM) ngày 27-5, gây thiệt hại nặng nề, khiến cuộc sống của nhiều ngư dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Trong nửa tháng qua, báo chí đã tốn nhiều giấy mực, dư luận bức xúc lên tiếng về vụ Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ trái phép 2 tấn bạch tuộc của ngư dân huyện Cần Giờ (TPHCM) ngày 27-5, gây thiệt hại nặng nề, khiến cuộc sống của nhiều ngư dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Công an tỉnh Hải Dương đã xem xét lại toàn bộ vụ việc, nhìn nhận đã có sai sót và ngày 11-6 Công an tỉnh Hải Dương đã bồi thường cho các ngư dân 650 triệu đồng. Có thể nói, đây không chỉ là một tin vui cho những ngư dân nghèo huyện Cần Giờ khi được bồi thường sau vụ thiệt hại oan uổng do hành vi sai của cơ quan Công an tỉnh Hải Dương mà còn tạo dựng niềm tin cho người dân rằng không có sự bao che, dung túng cho những người thừa hành công vụ có hành vi sai trái, lạm quyền gây thiệt hại quyền lợi người dân.

Lâu nay, chuyện người dân đi kiện cơ quan nhà nước vẫn bị ví như “con kiến đi kiện củ khoai”, để nói lên nỗi gian nan và khó thắng được kiện của người dân thấp cổ bé miệng khi bị cơ quan nhà nước hay người có thẩm quyền giải quyết sai trái, gây oan sai. Qua vụ khiếu kiện của hàng chục ngư dân nghèo huyện Cần Giờ, cho thấy họ đã mạnh dạn thực hiện quyền được khiếu kiện của mình. Đồng thời có thể ghi nhận động thái rất tích cực, đáng hoan nghênh của cơ quan Công an tỉnh Hải Dương, kịp thời nhận ra những sai trái, thiếu sót và cùng ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận với những ngư dân thiệt hại để thống nhất trong việc bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.

Suy cho cùng đối với pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua vụ việc này, Công an tỉnh Hải Dương phải bồi thường một số tiền lớn đã là một bài học kinh nghiệm xương máu do việc xử lý nghiệp vụ còn quá non kém của những cá nhân thực hiện thẩm quyền của mình. Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân, cũng cần nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý kỷ luật những cá nhân có hành vi sai trái, lạm quyền gây thiệt hại cho ngư dân và ngân sách nhà nước; quy rõ trách nhiệm, ai sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó.

MINH VŨ (Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục