Không biến lễ hội thành cơ hội kiếm tiền

“Nếu không quản lý chặt sẽ khiến hiện tượng biến tướng này lây lan sang nhiều địa phương khác, đó là có tội tổ tiên và với thế hệ mai sau”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế các hành vi phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, song lễ hội vẫn luôn là vấn đề nóng, luôn tiềm ẩn những “biến tướng” khó lường. Vì thế yêu cầu phải nhận diện, tôn trọng, không xuyên tạc các giá trị văn hóa của lễ hội đã được nhấn mạnh trong hội nghị sơ kết công tác tổ chức và quản lý lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018 do Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chia sẻ nỗi lo này, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), thẳng thắn thừa nhận, hoạt động lễ hội vẫn đang có những biểu hiện lệch lạc, nên mới sinh ra việc nhiều địa phương nâng cấp quy mô, mở rộng phạm vi lễ hội khi chưa nghiên cứu đầy đủ, chưa chuẩn bị kỹ các phương án an toàn; đưa nhiều nội dung không phù hợp, không có trong hồ sơ di tích di sản vào hoạt động lễ hội. Nhiều nơi có xu hướng biến lễ hội thành phương tiện tạo nguồn thu cho một nhóm lợi ích…

Có thể dễ dàng nhận thấy hành vi phát ấn, phát lộc, xóc thẻ, cầu may… hay sự bùng nổ của hàng loạt các lễ hội chọi trâu không phải truyền thống mà đơn thuần vì yếu tố thương mại ở nhiều tỉnh phía Bắc trong năm qua là một dẫn chứng điển hình cho việc biến tướng này. Bất cập trong các lễ hội chọi trâu này ai cũng có thể nhìn thấy không chỉ dừng ở việc an toàn của người tham dự, ở vấn đề mua bán, “đánh lận con đen” giữa trâu chọi và trâu thường để nâng giá, bán vé kiếm lời, mà còn là hiện tượng cờ bạc, cá độ trá hình…

Vì thế, những đề xuất quyết liệt trong việc dừng tổ chức lễ hội chọi trâu bởi đây hoàn toàn là mục đích thương mại, có yếu tố bạo lực, chỉ nên giữ lại duy nhất lễ hội chọi trâu Đồ Sơn dưới dạng di sản mang tính ký ức tại thời điểm này là hợp lý. Tuy nhiên với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cũng cần rà soát quy trình tổ chức phù hợp với lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội, phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh…

Để có những mùa lễ hội bình an bên cạnh sự chung tay vào cuộc của các đơn vị liên quan thì về lâu dài các địa phương cần nhận diện được giá trị di tích, di sản, lễ hội, phải tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, không xuyên tạc, bóp méo, không đưa vào lễ hội những biểu hiện lệch lạc, phản cảm như xóc thẻ, ban ấn, phát lộc… Song song với đó, các địa phương cùng Bộ VH-TT-DL, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân giảm đốt đồ mã trong các di tích, nơi thờ tự, tổ chức hội thảo truyền thông rộng rãi, đề nghị các nhà khoa học vào cuộc có giải pháp, lộ trình thực hiện; tăng cường thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm; luôn đề cao vai trò trách nhiệm trong quản lý, tổ chức để các lễ hội quanh năm diễn ra an toàn, nghiêm túc.

“Nếu không quản lý chặt sẽ khiến hiện tượng biến tướng này lây lan sang nhiều địa phương khác, đó là có tội tổ tiên và với thế hệ mai sau”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục