“Trong 5 năm qua (2006-2010), công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn TPHCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng Nguyễn Thế Thông (ảnh) đã cho biết như thế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn TPHCM.
Thu hồi hơn 119 tỷ đồng tiền sai phạm
- Phóng viên: 5 năm qua, Công an TP đã khởi tố điều tra 109 vụ, thụ lý xác minh trên 50 vụ có dấu hiệu tham nhũng, Viện KSND TP đã truy tố trên 90 vụ, TAND TP và quận huyện đã xét xử 81 vụ… Theo ông, đây có phải là những con số tích cực trong nỗ lực phòng chống tham nhũng trên địa bàn TP?
Ông NGUYỄN THẾ THÔNG: Theo tôi, đó là kết quả bước đầu trong thực hiện đồng bộ các biện pháp chỉ đạo phòng chống tham nhũng thời gian qua. Nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động hơn trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; từng bước thể chế hóa việc quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; quản lý, phân công lao động, cải cách hành chính, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động; từng bước khắc phục những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước. TP đã tập trung chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, khắc phục tình trạng khiếu kiện đông người; ban hành quy chế khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc nổi cộm; giải quyết dứt điểm một số vụ án kéo dài, phức tạp; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, thanh tra những lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Qua đó, đã kịp thời phát hiện một số vụ việc sai phạm, tham nhũng nghiêm trọng và nhanh chóng vào cuộc xử lý.
- Đối với những lĩnh vực mà TP tập trung phòng chống tham nhũng như: Quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, hải quan, công tác cán bộ, thời gian qua đã có chuyển biến ra sao, thưa ông?
Sự chuyển biến cũng rất đáng ghi nhận. Trong 5 năm, đã có 94 khu đất (tổng diện tích 2.800 ha) bị thu hồi, 177 địa chỉ nhà đất được sắp xếp lại. Số tiền thu được từ kết quả xử lý, sắp xếp, bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất là hơn 15.800 tỷ đồng, bổ sung nguồn thu cho ngân sách, góp phần chỉnh trang đô thị, đem lại hiệu quả thiết thực cho TP. Các ngành chức năng đã đề xuất UBND TP đình chỉ hoạt động 15 cá nhân, đơn vị tư vấn và nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. TP cũng đã triển khai hơn 1.600 cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai, nhà, kho bãi, nhà xưởng, tài nguyên khoáng sản, môi trường, thu chi tài chính doanh nghiệp, thuế… Qua đó đã thu hồi hơn 119 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật 275 trường hợp, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những lĩnh vực nêu trên nếu không có kiểm tra, giám sát, không có cơ chế đổi mới chặt chẽ hơn nữa thì tham nhũng, lãng phí sẽ vẫn diễn ra phức tạp hơn.
Kiên quyết thay cán bộ giảm sút uy tín
- Nhìn nhận một cách khách quan, kết quả mà ông nêu rõ ràng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Hạn chế này do đâu?
Trước hết là do cấp ủy và người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cải cách hành chính về tổ chức bộ máy và cán bộ chưa thật sự hiệu quả; quản lý, giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; một bộ phận cán bộ công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện dễ phát sinh tiêu cực. Đội ngũ cán bộ kiểm tra, thanh tra, điều tra ít so với yêu cầu nên việc phát hiện sớm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế. Công tác điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn kéo dài, việc điều tra chứng cứ để định tội danh gặp không ít khó khăn (các tội hối lộ, nhận hối lộ, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô…) khiến dư luận dễ cho rằng kéo dài để xử nhẹ hoặc đương sự chạy tội. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức chưa chủ động, có khi chờ có dư luận hoặc có dấu hiệu vi phạm mới chuyển đổi. Hệ thống chính sách pháp luật về nhà, đất, đền bù, giải tỏa, về tài chính doanh nghiệp, lương, thưởng, chi hoa hồng, quản lý các nguồn vốn có yếu tố nước ngoài… chưa đồng bộ, còn sơ hở, dễ bị lợi dụng. Cũng không thể không nói đến vai trò tham gia giám sát, kiến nghị, đề xuất của MTTQ các cấp và đoàn thể vẫn còn hạn chế.
- Theo ông, TPHCM thời gian tới cần ưu tiên khắc phục những hạn chế nào để công tác PCTN đạt hiệu quả hơn?
Trước hết phải nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó cần thực hiện nghiêm túc các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, không “cả nể” trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; kiên quyết thay thế những cán bộ có hành vi tiêu cực, uy tín giảm sút, dư luận chê trách. Đưa nội dung thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm vào tiêu chuẩn đánh giá, phân tích chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm. Bên cạnh đó, các đơn vị phải sắp xếp nhà đất trên tinh thần xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng lãng phí, không đúng mục đích; tăng cường thanh tra về đầu tư xây dựng cơ bản để sớm phát hiện sai phạm và chấn chỉnh. Ngoài ra, TP cần sớm ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy ban MTTQ TPHCM để tuyên truyền, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng.
Hồng Hiệp (thực hiện)