Không cấp giấy phép kinh doanh khi chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Sáng 16-12, Thành ủy TPHCM tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH) trên địa bàn TP.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM.

Số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tăng mạnh về số lượng

Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, TPHCM có khoảng 41.500 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, 12.481 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Trong 5 năm, trên địa bàn TPHCM xảy ra 4.813 vụ cháy, làm chết 75 người, 209 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 453,42 tỷ đồng; tổ chức cứu nạn, cứu hộ 1.236 vụ, cứu được 941 người và tìm được 187 thi thể nạn nhân.

Không cấp giấy phép kinh doanh khi chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị, sáng 16-12-2020. Ảnh: THU HƯỜNG

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, giai đoạn 2015 - 2020, số vụ cháy đã được kéo giảm, song tình hình cháy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về người. Số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tăng mạnh về số lượng.

Công tác phát hiện, báo cháy chưa kịp thời; việc xử lý, chữa cháy ban đầu chưa tốt, các phương tiện chữa cháy tại chỗ không đảm bảo để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Số vụ cháy lớn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các vụ cháy nhưng thiệt hại gây ra lớn về người và tài sản (chiếm khoảng 95% trong tổng số thiệt hại về tài sản).

Quang cảnh hội nghị sáng 16-12-2020. Ảnh: THU HƯỜNG

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư, Quyết định số 1635/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành ủy, công tác PCCC tại nhiều đơn vị, địa phương đã đi vào nền nếp. Phong trào toàn dân tham gia PCCC đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và ngày càng được nhân rộng. Qua đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác PCCC.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, ý thức PCCC trong nhân dân từng bước được nâng lên, nhiều nơi người dân đã hiến đất để mở rộng đường, hẻm để xe chữa cháy hoạt động. Bên cạnh đó, người dân cũng đã tự trang bị các xe chữa cháy loại nhỏ, bình chữa cháy, các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho khu dân cư và các hộ gia đình.

Không cấp giấy phép kinh doanh khi chưa đảm bảo an toàn về PCCC

Để công tác PCCC-CNCH trong thời gian tới phát huy hiệu quả hơn nữa, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các quy định về an toàn PCCC.

Lực lượng PCCC tăng cường phối hợp sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy một cách đồng bộ, nhất là các lĩnh vực, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: điện, xăng dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng...; quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, không cấp giấy phép kinh doanh khi chưa đảm bảo những điều kiện an toàn về PCCC.

Không cấp giấy phép kinh doanh khi chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy ảnh 3 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM  cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 47. Ảnh: THU HƯỜNG

Đề cập đến việc thành lập đủ các đội chữa cháy khu vực để đảm bảo phủ kín phạm vi hoạt động của lực lượng chức năng, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho biết, hiện TPHCM đã hình thành 5 đội khu vực và 24 Đội PCCC - CNCH thuộc 24 quận, huyện.

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, các đội cơ bản thực hiện tốt việc rút ngắn bán kính bảo vệ và nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy định khoảng cách các đội 3km thì tại các địa bàn như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo phủ kín phạm vi hoạt động. Qua đó, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, nghiên cứu phối hợp các sở, ngành TP đề xuất xây dựng thêm các đội PCCC. Cùng với đó, duy trì, củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ đủ mạnh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn.

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào toàn dân tham gia PCCC; tiếp tục nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC, các phường điểm, khu phố điểm về PCCC. Tập trung nhân rộng mô hình “cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”, “cụm dân cư an toàn PCCC”, “tuyến phố an toàn PCCC”; tăng cường vận động người dân tham gia xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Đối với các địa phương, đơn vị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho rằng, cần lấy kết quả thực hiện công tác PCCC là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua hàng năm của đơn vị.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành và chỉ huy chữa cháy; lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC - CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục…

Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen cho 21 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị 47 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác PCCC - CNCH trên địa bàn TPHCM.  

 

* Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty Điện lực TPHCM Bùi Hải Thành:

Để đảm bảo phòng chống cháy, nổ liên quan đến hệ thống điện, đặc biệt đối với khu dân cư, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã thực hiện duy tu, bảo trì, cải tạo hệ thống điện. Hoàn tất cải tạo ngầm hóa lưới điện tại các tuyến đường chính trong khu nội thành, đường liên quận và các tuyến đường trong khu vực trung tâm TP.

Nguyên nhân liên quan đến cháy, nổ do điện chủ yếu do hệ thống điện trong nhà không được thiết kế, lắp đặt đúng quy định; sử dụng dây và các thiết bị điện không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, còn do người dân có thói quen để dụng cụ, thiết bị sinh nhiệt gần vật liệu dễ cháy…

* Trưởng Phòng Tổng hợp quy hoạch (Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM) Lê Như Hải Long:

Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư, trang bị nhiều thiết bị hiện đại cho lực lượng Cảnh sát PCCC nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Đặc biệt trong điều kiện TP hiện có nhiều nhà cao tầng với độ cao vượt quá chiều cao của xe thang, hoặc nhiều tòa nhà có tầng hầm sâu dưới mặt đất khiến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính TPHCM tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM danh mục đầu tư trang bị những phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần sử dụng trong điều kiện đặc thù như nhà cao tầng, công trình ngầm, đường hầm, nhà ga tuyến metro…

* Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài:

Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện xảy ra 8 vụ cháy tại Khu công nghiệp, Khu tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 1 vụ cháy lớn ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Ngoài 4.193 cơ sở và 106 khu dân cư thuộc diện quản lý về PCCC, huyện Bình Chánh còn có 1.096ha rừng tràm (thuộc xã Lê Minh Xuân) tiềm ẩn nguy cơ cháy và cháy lan trong những tháng mùa khô. Để thực hiện hiệu quả công tác PCCC, Huyện ủy Bình Chánh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổng điều tra, khảo sát và lập danh sách các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đảm bảo 100% các cơ sở này có hồ sơ theo dõi, quản lý.

Tin cùng chuyên mục