Không chỉ có lợi...

Phải đối mặt với chi phí lao động cao và những điều chỉnh trong quản lý về môi trường, nhiều công ty đa quốc gia của Trung Quốc và nước ngoài thời gian qua đã chọn giải pháp chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, nơi có chi phi lao động tương đối thấp so với Trung Quốc.

Nhất là gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng càng thúc đẩy làn sóng chuyển dịch nhà máy đến các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Nomura Securities (Nhật Bản), Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khi mà 52% hàng hóa của nước này được lựa chọn để nhập khẩu thay thế do 2 “ông lớn” áp thuế hàng hóa lẫn nhau. GDP của Việt Nam cũng có thể đạt mức 7,9% do căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, tạp chí The Diplomat nhận định bên cạnh những cơ hội được mở ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn. 

Thứ nhất, đó là nguy cơ về chi phí kinh doanh tăng cao. Là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Việt Nam chắc chắn phải đảm bảo hàng hóa xuất khẩu của nước này ở mức giá thấp để tăng tính cạnh tranh. Cùng lúc, quốc gia Đông Nam Á phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa nhưng với mức giá cao hơn so với trước đây. Như vậy, nhập khẩu lạm phát sẽ là một kịch bản mà nền kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi. Điều này có thể dẫn đến việc tăng lương cho lao động và nhiều khả năng, Chính phủ Việt Nam sẽ chấp nhận phương án này như một giải pháp tốt nhất để kiểm soát lạm phát. Nếu tất cả các kịch bản trên xảy ra, Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế quan trọng nhất: thiên đường chi phí thấp cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, trong khi tăng trưởng của Việt Nam lên tới hơn 7% trong năm 2018 - vượt sự kỳ vọng của thị trường, một số chuyên gia vẫn chỉ ra nguy cơ “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế Đông Nam Á. Một biểu hiện đáng chú ý là các tòa nhà cao tầng ở nhiều thành phố mọc lên như nấm dù thiếu các nền tảng cơ bản hỗ trợ cho sự bùng nổ bất động sản này. Đây là một chỉ dấu đáng báo động về việc tài sản được tạo ra trong lĩnh vực sản xuất đang nhanh chóng chuyển sang bất động sản thay vì được tái đầu tư. Ngoài ra, con số gây sốc 10,8 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam trong quý 1-2019 cũng làm gia tăng những quan ngại về việc quốc gia Đông Nam Á này dễ bị tổn thương hơn từ nguồn vốn nước ngoài. Sự biến động của nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn khi vốn nước ngoài rót vào hay rời khỏi thị trường đều dựa trên tâm lý của các nhà đầu tư. Với mức độ phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài cao như vậy, bất kỳ một cú sốc nào từ bên ngoài cũng sẽ tác động nhanh và mạnh đến kinh tế Việt Nam.

Tạp chí the Diplomat kết luận Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trong ngắn hạn đến từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghiệp và chuyển giao sản xuất trên toàn cầu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất gia tăng, phát triển tắc nghẽn, lực lượng lao động kém cạnh tranh, liên kết trong chuỗi cung ứng còn yếu... là những vấn đề Việt Nam nhiều khả năng phải đối mặt trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục