Những khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục kéo dài khi mà 7 tháng đầu năm vẫn có đến hơn 34.200 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2012. Thiếu vốn, hàng tồn kho, thị trường tiêu thụ khó mở rộng... tiếp tục đang thử thách sức chịu đựng của DN trong việc làm sao để tiếp tục tồn tại, phát triển. Trong hoàn cảnh như vậy, vấn đề tái cấu trúc DN mà trọng tâm là quản trị nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố sống còn. Đó cũng là lý do mà diễn đàn “Vai trò quản trị nhân lực trong tái cấu trúc DN” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21-8, thu hút sự quan tâm của rất đông DN, sinh viên và phần lớn trong số đó đều cố gắng tham dự từ đầu đến hết buổi sáng.
Ai cũng biết, quản trị nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, bức tranh về quản trị nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện tại lại không hề sáng sủa.
Nghiên cứu của một tổ chức quốc tế gần đây cho thấy, quản trị nguồn nhân lực trong DN Việt Nam chỉ ở mức bình thường, yếu và rất yếu chiếm khoảng 60%. Chính vì vậy, trong tái cấu trúc DN hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Navigos Search - công ty chuyên về tìm kiếm nhân sự cấp cao cho DN trong và ngoài nước hoạt động tại Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc phòng quản trị nhân sự. Người của phòng quản trị nhân sự phải là đối tác chiến lược của các phòng ban khác trong DN. Trong đó, phòng quản trị nhân sự tham gia vào các kế hoạch xây dựng thương hiệu, tuyển dụng, đào tạo, hệ thống lương thưởng...
Tái cấu trúc, nhiều DN mạnh tay cắt giảm nhân sự, một số khác lại giữ nguyên nhân sự nhưng có sự điều chỉnh giảm thu nhập. Ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) phân tích: việc giảm người, sắp xếp nhân sự phù hợp với trình độ, chuyên môn phải xuất phát từ khung năng lực, vị trí, chức năng của từng bộ phận, ai không còn phù hợp thì phải nghỉ, thay vì giữ lại tất cả để tất cả cùng gặp khó khăn. Nhưng việc cắt giảm nhân sự nếu không được đánh giá một cách kỹ càng thì cũng lĩnh hậu quả, gây hiệu ứng bất mãn lây lan, mất khách hàng... Bên cạnh đó, quy trình đào thải không tốt cũng sẽ gây hiệu ứng không tốt cho công tác tuyển dụng nhân sự sau này.
Có trong tay một đội ngũ nhân viên tinh gọn, làm việc hiệu quả luôn là mong muốn chung của các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, yếu tố giúp DN phát triển chính là quản trị, đặc biệt tái cấu trúc nhân sự là động lực chính để DN vượt lên. Nếu nhận thức quản trị nhân sự là cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới thì DN mới có thể vượt qua khó khăn hiện nay cũng như tạo đà phát triển trong thời gian tới. DN nào biết quản trị nguồn nhân lực tốt gắn liền với tái cơ cấu sẽ tìm kiếm được nhiều thành công hơn khi nền kinh tế đi vào ổn định.
HÀ MY